Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020, trong đó có tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 – 2025. Theo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, so với các lần phân định trước, lần phân định này có nhiều điểm mới, dẫn đến giảm số lượng xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm số lượng xã, thôn đặc biệt khó khăn nhằm đạt mục tiêu tăng đầu tư cho những địa bàn khó khăn hơn và phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước.

Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển làm cơ sở xác định đối tượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. 

Từ năm 1996 đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta đã có 4 lần phân định thành 3 khu vực (I, II, III) theo trình độ phát triển. Theo đó, xã khu vực III là xã đặc biệt khó khăn, xã khu vực II là xã còn khó khăn và xã khu vực I là xã bước đầu phát triển. Các cách phân định cũ đều không đề cập đến tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số. Do đó xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm cả các xã không có hoặc có rất ít đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chính vì thế, nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc bị dàn trải, thiếu tập trung, thậm chí không có đồng bào dân tộc thiểu số nhưng vẫn được thụ hưởng chính sách dân tộc.

 Sự phân định thiếu hợp lý cùng với nhiều khó khăn đặc thù khác đã dẫn đến hệ lụy như đồng chí Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội khóa XIV tổng kết: “Vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện là vùng 5 “nhất”: điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, chất lượng nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội chậm phát triển nhất, tiếp cận dịch vụ khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất”.

 Để giải quyết 5 “nhất” của vùng dân tộc thiểu số và miền núi và khắc phục những bất cập trong cách phân định cũ, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

 Những điểm nhấn trong cách phân định mới

 Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ đã lượng hóa tiêu chí các xã, phường, thị trấn dân tộc thiểu số phải có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên. Các thôn, bản, làng, phum, sóc, xóm, ấp, khu dân cư, tổ dân phố và tương đương có tỷ lệ số hộ dân tộc thiểu số trong tổng số hộ dân sinh sống ổn định thành cộng đồng từ 15% trở lên.

 Theo đồng chí Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết, sở dĩ các cơ quan tham mưu chọn tỷ lệ 15% để xác định tiêu chí xã, thôn vùng dân tộc thiểu số là dựa trên căn cứ kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số lần thứ II (tính đến 01/4/2019, tỷ lệ người dân tộc thiểu số đã chiếm 14,7% tổng dân số cả nước).

 Theo Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg, địa bàn đặc biệt khó khăn được xác định là các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém, nhất là về giao thông, điều kiện khám, chữa bệnh, học tập của người dân còn khó khăn… Đối với địa bàn này, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những dịch vụ cơ bản để từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với các vùng, miền khác. Địa bàn còn khó khăn là các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, còn thiếu hụt một hoặc một số điều kiện về cơ sở hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đối với địa bàn này, Nhà nước chỉ hỗ trợ tạo sinh kế, đầu tư bổ sung một phần hạ tầng còn thiếu hụt, chủ yếu là thực hiện các chính sách đối với con người. Địa bàn bước đầu phát triển là các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đối với các xã này, cơ bản thực hiện chính sách đối với con người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

 Việc phân định các thôn đặc biệt khó khăn được thực hiện đối với những xã không đủ tỷ lệ 15% số hộ dân tộc thiểu số hoặc các xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn.

 Giảm mạnh số xã, thôn và ngân sách Nhà nước

 Qua kết quả rà soát của 51 tỉnh, thành phố gửi về Ủy ban Dân tộc thì có sự biến động mạnh ở cả 3 cấp: tỉnh, xã, thôn trong giai đoạn 2021 - 2025.

 Đối với cấp tỉnh: địa bàn không có cấp xã, thôn đủ 15% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng gồm: TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Hải Phòng. Địa bàn tỉnh có cấp xã, thôn đủ 15% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung thành cộng đồng được bổ sung mới gồm Bình Dương và Đà Nẵng.

 Đối với cấp xã: tổng số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 là 3.415 xã, giảm 1.851 xã so với giai đoạn 2016 - 2020; trong đó giảm do sáp nhập địa giới hành chính là 183 xã, giảm do không đủ 15% hộ dân tộc thiểu số là 1.599 xã. Trong 1.599 xã không đủ 15% hộ dân tộc thiểu số trở lên đã xác định có 749 thôn đủ 15% hộ dân tộc thiểu số trở lên để đưa vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

 Xã khu vực I có 1.592 xã, tăng 339 xã do đã được đầu tư, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Xã khu vực II còn 281 xã, giảm 1.673 xã, tập trung chủ yếu ở các xã trước đây không có hoặc có rất ít đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng. Xã khu vực III là 1.542 xã, giảm 398 xã do được Nhà nước tập trung đầu tư, phát triển thành các xã khu vực II, khu vực I. Tổng số thôn đặc biệt khó khăn của xã khu vực II là 1.668 thôn.

 Theo tính toán của Ủy ban Dân tộc, sau Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ có 398 xã và 2.667 thôn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn và như vậy thôi không thụ hưởng hỗ trợ của Nhà nước; dự kiến vào khoảng 1.200 tỷ đồng, tương đương gần 30% ngân sách đầu tư hiện nay trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nguồn lực nhà nước sẽ có điều kiện tập trung đầu tư cho những nơi khó khăn hơn, người nghèo là phù hợp với thực tế ngân sách và tinh thần hỗ trợ nhau cùng phát triển; là điều kiện để nâng định mức, ưu tiên đầu tư cho những địa bàn đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống./.

 
Bài, ảnh: Phương Liên