Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; lãnh đạo một số bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố có hoạt động sản xuất và kinh doanh lĩnh vực cao su; lãnh đạo ngành cao su qua các thời kỳ.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan gian hàng giới thiệu quá trình phát triển và triển lãm sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Cách đây 90 năm, vào đêm 28/10/1929, tại đồn điền cao su Phú Riềng thuộc địa bàn xã Thuận Lợi (nay là xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ được thành lập, gồm 6 thành viên.
Đây là bước ngoặt lớn trong phong trào công nhân tại khu vực; tạo chuyển biến về chất trong đấu tranh, khép lại thời kỳ đấu tranh tự phát và chuyển sang đấu tranh tự giác, có tổ chức, có đường lối.
Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc bãi công của công nhân cao su Phú Riềng đã giành thắng lợi. Đây là cuộc bãi công lớn nhất trong số các cuộc đấu tranh của quần chúng công nhân lúc đó có tiếng vang trong cả nước và thế giới đã làm nên “Phú Riềng Đỏ” anh hùng.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất tới các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ công chức viên chức, người lao động Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam qua các thời kỳ.
Phó Thủ tướng cho biết kể từ khi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của miền Đông Nam Bộ được thành lập, phong trào đấu tranh của công nhân cao su ngày càng lớn mạnh, trở thành đội quân tiên phong của phong trào cách mạng. Lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, vẻ vang của công nhân cao su Việt Nam gắn với địa danh Phú Riềng Đỏ. Nhiều tấm gương yêu nước, nhiều cán bộ, công nhân cao su đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng, góp phần quan trọng cùng toàn quân, toàn dân làm nên những chiến công hiển hách.
Nhấn mạnh những thành tựu của ngành cao su trong phát triển kinh tế đất nước, theo Phó Thủ tướng, kể từ khi cây cao su được trồng ở Việt Nam, đến nay cả nước có khoảng 1 triệu ha cao su, phân bố từ Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và miền núi phía bắc. Đóng góp của ngành cao su vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cả nước là rất lớn.
Năm 2018, ngành cao su xuất khẩu 1,56 triệu tấn cao su các loại, xếp thứ 3 thế giới. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên đạt 2,1 tỷ USD. Tính cả các mặt hàng liên quan, giá trị xuất khẩu lên đến hơn 6,6 tỷ USD. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Không chỉ phát triển trong nước, ngành cao su Việt Nam còn đầu tư phát triển cao su ở Lào và Campuchia. Đến nay, chương trình bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Đánh giá cao những đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của ngành cao su đạt được trong những năm qua, sự hội nhập sâu rộng vào ngành cao su thế giới, nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho rằng xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động tới mọi quốc gia, doanh nghiệp. Xu thế này đang tạo ra thời cơ phát triển nhưng cũng nhiều thách thức đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong xu thế đó, ngành cao su Việt Nam cũng cần tích cực, chủ động đổi mới, hội nhập để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
Phó Thủ tướng yêu cầu ban lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu khẳng định là một tập đoàn kinh tế công - nông nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam và khu vực trên quan điểm phát triển bền vững, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - Bảo vệ môi trường - Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Với vai trò là doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao, Tập đoàn cần gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, khai thác, sản xuất, chế biến kinh doanh với ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực; làm nòng cốt thúc đẩy ngành công nghiệp cao su Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường hàm lượng khoa học trong sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm.Tiếp tục tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu, nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tỷ trọng sản phẩm chế biến của ngành cao su còn hạn chế, hàm lượng giá trị cộng nghệ thấp, chưa có sức cạnh tranh cao. Do đó, Tập đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ ngành công nghiệp cao su, cung cấp những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, làm đầu vào cho các ngành công nghiệp khác của đất nước và phục vụ cho xuất khẩu.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trao tặng lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và tỉnh Bình Phước. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Bên cạnh chủ động hội nhập quốc tế để nâng cao thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu, Tập đoàn cũng cần tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; tăng cường sử dụng lao động người địa phương, nâng cao thu thập của người lao động, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Đặc biệt, cần kết hợp hài hòa phát triển kinh tế với làm tốt các chính sách an sinh xã hội và nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng an ninh. Kiên quyết phòng ngừa ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực tham nhũng lợi ích nhóm. Địa bàn hoạt động rộng lớn, Tập đoàn cần trú trọng công tác tham mưu với các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị để giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của người dân không để phát sinh điểm nóng.
Ngoài ra, tăng cường quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả đất đai theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Tuyệt đối không để đất hoang hóa, khai thác không hiệu quả, chia chác, tham nhũng…
Phó Thủ tướng cho rằng kỷ niệm 90 năm Ngày ra đời Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và Ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, ngoài ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của ngành cao su, tỉnh Bình Phước và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cần tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống ngành cao su - truyền thống Phú Riềng Đỏ, để các thệ hệ ngành cao su Việt Nam hiện tại và mai sau trân trọng, tự hào với những di sản mà các thế hệ cha anh để lại; kế thừa và cụ thể hóa những giá trị truyền thống đó, xây dựng ngành cao su Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
*Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Tập đoàn Cao su Việt Nam và Công đoàn Cao su Việt Nam; tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 5 Huân chương Lao động hạng Nhì, 9 Huân chương Lao động hạng Ba cho các cá nhân. Bốn tập thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam vinh dự được tặng thưởng Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Mạnh Hùng