Chiều ngày 25/5, tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức Hội nghị giải pháp phát triển và xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam.
|
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý, thành viên Farmtrips... tham dự (Ảnh: HNV) |
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu kêu gọi các nhà đầu tư bằng các nguồn lực tài chính, tư duy quản trị, nhân lực chất lượng cao… tham gia cải tạo các bất động sản nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tạo động lực, xung lực mới cho phát triển thị trường bất động sản.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh: “Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết Hội nghị tổ chức với mong muốn đồng hành cùng các doanh nghiệp bất động sản và địa phương, các ngành nhằm đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, trong đó có bất động sản nông – lâm – ngư nghiệp phục vụ ngành du lịch. Một trong các vấn đề quan trọng là: sự đồng bộ về luật, cơ chế chính sách đến quy hoạch và chương trình đầu tư phát triển, quản lý giữa các lĩnh vực: Du lịch – Bất động sản – Nông nghiệp – với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chia sẻ tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội khẳng định, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
|
Du lịch nông nghiệp, nông thôn có nhiều tiềm năng phát triển ở nước ta (Ảnh: T.U) |
Trong khi đó, Ths. Nguyễn Văn Chung, Chuyên viên cao cấp, Trưởng phòng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Ngày 24/5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Ngày 21/6/2022, Văn phòng Chính phủ có Văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đồng ý. Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như trên, khi được Chính phủ ban hành sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả chủ trang trại và cơ quan quản lý nhà nước; tạo hành lang pháp lý để kinh tế trang trại phát triển.
Phân tích về du lịch nông nghiệp, ông Nguyễn Đạo Dũng, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết, đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận và gần 1.500 điểm du lịch khác đang hoạt động khai thác, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn, khai thác đặc trưng đời sống, canh tác, văn hóa nông nghiệp. Đây là những một tiềm năng vô cùng lớn, cần có sự khai thác hiệu quả và chỉ đạo, định hướng đúng đắn để phát triển du lịch nông thôn bền vững, nâng cao đời sống cho chính cộng đồng cư dân và phát triển kinh tế địa phương.
Theo ông Dũng, để phát triển du lịch nông thôn bền vững, tận dụng các tiềm năng, cơ hội, đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và môi trường sinh thái, du lịch nông thôn cần quan tâm tập trung phát triển du lịch tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi, khai thác thế mạnh nổi trội của khu vực nông thôn, tránh tình trạng phát triển theo phong trào; ưu tiên đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn đồng bộ và hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong sự kết nối được với các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, trong vùng và với các trung tâm du lịch và thị trường nguồn khách. Song song, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch nông thôn có chất lượng, sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái dựa trên lợi thế của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn, chăm sóc sức khỏe, đa dạng tính trải nghiệm, các sản phẩm mới… Nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động du lịch nông thôn, cải thiện kỹ năng phục vụ, quản trị, năng lực tự chủ và thích ứng với yêu cầu mới về chuyển đổi số và định hướng thị trường để đáp ứng nhu cầu phát triển và hướng tới nhu cầu riêng biệt của các nhóm khách mục tiêu. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm du lịch nông thôn gắn với các thị trường mục tiêu, trong đó có thị trường khách du lịch nội địa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường để thu hút khách du lịch về nông thôn. Ngoài ra, hướng tới tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại khu vực nông thôn, hướng tới thị trường khách có khả năng chi tiêu cao. Chú trọng khai thác chuỗi giá trị du lịch trên cơ sở liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan của khu vực nông thôn nhằm cung cấp đa dạng trải nghiệm cho du khách.
|
Guồng nước Pù Luông, Bá Thước, Thanh Hóa - điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước (Ảnh: T.U) |
“Với những cơ hội, tiềm năng, định hướng như trên, tôi tin tưởng rằng du lịch nông thôn sẽ có những bước phát triển quan trọng, tạo ra những điểm đến, những sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, có bản sắc riêng phù hợp với thị trường mục tiêu đồng thời đóng góp tích cực, đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân khu vực nông thôn, xây dựng một diện mạo nông thôn văn minh, thân thiện” - ông Nguyễn Đạo Dũng nói.
Thảo luận các nội dung xung quanh chính sách của Chính phủ, địa phương, pháp lý và cơ hội đầu tư, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã cùng nhau nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng và chia sẻ thẳng thắn, cởi mở tại Hội nghị với mong muốn, kỳ vọng sẽ góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng như giúp các địa phương nắm bắt xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện giao lưu quốc tế tại địa phương và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.