Đây là ý kiến được trao đổi tại hội thảo “Thực trạng và kiến nghị về chính sách thuế đối với các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập” vừa qua.
|
Các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập nêu kiến nghị. |
Cung cách quản lý khiến tổ chức KHCN gặp khó ?
Theo khảo sát của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), có 52,2% số đơn vị cho rằng chính sách khó áp dụng; 9% cho rằng chính sách không rõ ràng và không thể áp dụng. Chỉ có 22,4% số tổ chức tham gia khảo sát cho rằng, chính sách thuế rất rõ ràng và dễ áp dụng.
Ông Nguyễn Quyết Chiến, Ban Tổ chức và Chính sách hội của VUSTA cho biết, hiện có 470 tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) trực thuộc hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ nghiên cứu, triển khai ứng dụng KHCN đến thực hiện các đề tài, dự án viện trợ nước ngoài, các hoạt động dịch vụ.
Vướng mắc trước tiên là ngay tại thời điểm đăng ký mã số thuế, tổ chức chưa được phân định rõ là loại hình nào trong danh sách các loại hình tổ chức đóng thuế của cơ quan thuế. Do đó cán bộ thuế hướng dẫn tổ chức kê khai thuế như doanh nghiệp.
Khó khăn nữa là việc xác định các tổ chức KHCN thuộc VUSTA có phải là tổ chức phi lợi nhuận không; hệ thống sổ sách kế toán, tài chính, thuế của các tổ chức có khác doanh nghiệp không... đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất. Các tổ chức phải báo cáo doanh thu chi phí, định kỳ nộp các báo cáo liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, hóa đơn bán hàng, thuế giá trị gia tăng.
Bà Đỗ Thị Vân, Giám đốc Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, cho biết, hiện các tổ chức KHCN dựa vào nhiều nguồn, ngoài nguồn nhà nước chủ yếu dựa vào các dự án tài trợ từ bên ngoài. Có nhiều nguồn từ vốn vay, nếu thời gian và quá trình giải ngân chưa được minh bạch, kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chung.
Bà Đỗ Thị Vân dẫn chứng có trường hợp Quỹ châu Á đã đồng ý hỗ trợ 3 tỷ đồng cho dự án liên quan đến người lao động, nhưng khi triển khai, sự phối hợp của một số tổ chức lại kéo dài nên vấn đề chưa giải quyết được.
Bên cạnh đó, những hướng dẫn về thuế theo kiểu “trăm hoa đua nở” do không thống nhất, mỗi địa bàn lại giới thiệu một kiểu nên có tình trạng lúc đúng lúc sai. Trong khi đó, nếu vi phạm về thuế thì số tiền bị phạt rất là rất lớn.
Cần có sự phân quy định rõ ràng hơn về thủ tục thuế
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Ban Tổ chức và Chính sách hội của VUSTA, cần giảm bớt phức tạp thủ tục để hoàn thuế VAT theo các chính sách ưu đãi, đồng thời cần sớm có phân định rõ ràng giữa loại hình doanh nghiệp/tổ chức có lợi nhuận với tổ chức phi lợi nhuận giảm thiểu khó khăn cho các tổ chức KHCN khi làm việc, giải trình với cơ quan thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế cần hướng dẫn cụ thể về việc quản lý thuế, tránh quản lý tổ chức KHCN như doanh nghiệp.
Liên quan đến chính sách thuế, theo ý kiến các chuyên gia, ưu đãi thuế được xem là cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi bền vững cho các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Điều này giúp các tổ chức NGOs giảm đi gánh nặng thuế thông qua miễn trừ thuế. Ở hầu hết các quốc gia có các khu vực NGOs phát triển, luật quy định miễn trừ thuế thu nhập và thuế lợi tức thường áp trên các pháp nhân là các tổ chức phi lợi nhuận.
Ở góc độ chính sách vĩ mô, ông Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán kiểm toán Việt Nam (VAA) cho biết Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm đến sửa đổi các chính sách thuế và quản lý thuế (gồm các thủ tục).
Bộ Tài chính đang soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo Luật về sửa đổi các luật về thuế để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tới.
Anh Minh