Đó là ghi nhận của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị ký kết chương trình phối hợp công tác trong lĩnh vực quan hệ lao động giữa Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra chiều 17/9 tại Hà Nội.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chứng kiến lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ LĐTB&XH

ký chương trình phối hợp

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của 3 cơ quan trong việc xây dựng và tổ chức ký kết chương trình phối hợp. Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình quan hệ lao động tiếp tục có nhiều biến chuyển mới, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn đang được xem xét sửa đổi, quan hệ lao động tiếp tục có nhiều chuyển biến; phát triển và hợp tác trong lĩnh vực lao động, việc làm ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, vì lợi ích của người lao động và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan cần tuyên truyền, phổ biến nội dung chương trình trong toàn hệ thống, để thống nhất nhận thức và cùng chung hành động phối hợp chương trình ở tất cả các cấp. Hàng năm, phải cụ thể hóa các nội dung trong chương trình thành các hoạt động cụ thể của từng cơ quan; phân công, giao nhiệm vụ chi tiết cho từng đơn vị, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra và có đánh giá kết quả hằng năm để kịp thời rút kinh nghiệm quá trình triển khai.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc phối hợp phải trên tinh thần hợp tác, cùng chung trách nhiệm, cùng hướng tới lợi ích chung của đất nước, của người lao động và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc bảo vệ lợi ích ngành, không quan tâm đến lợi ích chung và nguyện vọng của số đông.

Các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, chính sách liên quan đến việc làm và quản lý lao động nói riêng; trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình quan hệ lao động và chấp hành các quy định pháp luật về lao động, công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tình hình tranh chấp lao động, đình công; cung cấp các chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực lao động; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực và kỹ năng tham gia tố tụng lao động, dân sự và giải quyết tranh chấp lao động, đình công cho đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chứng kiến lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, VCCI

ký chương trình phối hợp

 

Nội dung phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với Bộ LĐTB&XH tập trung vào 9 lĩnh vực, cụ thể: xây dựng pháp luật; thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và đào tạo; quan hệ lao động và tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; bình đẳng giới và bảo đảm quyền của trẻ em; việc làm và đào tạo nghề nghiệp; thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Cùng với đó, nội dung phối hợp giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với VCCI trong lĩnh vực quan hệ lao động, xây dựng giai cấp công nhân và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 gồm 5 nội dung: tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/01/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”; phối hợp thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả tham gia các thiết chế hai bên, ba bên; thiết lập kênh thông tin, tham vấn, đối thoại thường xuyên.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hai bản ký kết với 59 giải pháp cụ thể tập trung vào 14 nội dung cốt lõi được triển khai sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng của quan hệ lao động tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang và sẽ thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA…, tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động 2012 đang được sửa đổi với nhiều nội dung thay đổi căn bản, quan hệ lao động đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt./.

Tin, ảnh: Minh Châu