Tạo sự lan toả mạnh mẽ trong phổ biến tuyên truyền pháp luật 

(Chinhphu.vn) - Sáng 18/6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng (PTTTĐC) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL)”.

 

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh các PTTTĐC có vai trò cực kỳ quan trọng trong công tác PBGDPL, được thể hiện ở các khía cạnh như nâng cao tính tự giác thực hiện pháp luật của mọi công dân trong xã hội; gắn kết với vai trò quản lý và giám sát hoạt động lập pháp…

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa ngành tư pháp và các cơ quan báo chí còn thiếu chặt chẽ, thiếu tính ổn định, thường xuyên. Nội dung PBGDPL qua hệ thống truyền thông báo chí chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người dân, hình thức còn đơn điệu, khô cứng, thiếu tính hấp dẫn để thu hút khán thính giả, độc giả quan tâm theo dõi. Việc gắn kết giữa báo chí với mạng xã hội để thực hiện PBGDPL chưa được quan tâm triển khai mạnh mẽ trong thực tiễn…

Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả về các chương trình PBGDPL trên PTTTĐC. Các cơ quan truyền thông căn cứ vào tôn chỉ, mục đích, nhu cầu của xã hội, của người dân để tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, các tuyến tin, loạt bài cho phù hợp với tôn chỉ, mục đích của như định hướng tuyên truyền của mình, đáp ứng yêu cầu của nhân dân. 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, sâu sắc giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan truyền thông để tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số bởi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị hiện nay. 

Đồng thời, việc giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của người dân trên các phương tiện truyền thông cũng cần được đẩy mạnh với sự tham gia nhiều hơn nữa của các chuyên gia pháp luật của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các luật gia, nhất là những vấn đề sát sườn với cuộc sống hàng ngày, sao cho người dân dễ nhớ, dễ hiểu, tạo sự chuyển biến nhận thức đối với mỗi người trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. 

Đối với các sự kiện lớn như Ngày Pháp luật Việt Nam, tổng kết các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng có liên quan đến công tác pháp luật, nhiều đại biểu đề nghị cần có kế hoạch tuyên truyền dài hơi, sâu rộng trong quá trình tổ chức ở tất cả các bộ, ngành, địa phương tạo sự lan toả mạnh mẽ trong dư luận và ủng hộ của nhân dân đối với công tác này trong thời gian tới.

Lê Sơn

254 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1120
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1120
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87125945