Đặc biệt, bước vào năm đầu tiên của giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị đón nhận rất nhiều tin vui khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Trung tâm điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Hải Lăng vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 (đây là dự án lớn nhất tỉnh Quảng Trị từ trước đến nay, khi đi vào hoạt động nhà máy sẽ đóng góp khoản ngân sách rất lớn cho địa phương); quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Quảng Trị tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng có quy mô 481,2 ha với tổng số vốn đầu tư là 2.074,33 tỉ đồng; phê duyệt dự án khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh với tổng vốn đầu tư 925 tỷ đồng và khu công nghiệp đa ngành Triệu Phú, huyện Triệu Phong với tổng vốn đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng; Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trình quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư và Công ty cổ phần Tập đoàn T&T cam kết sẽ thực hiện dự án Cảng hàng không Quảng Trị và đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất, cùng nhiều dự án khác đã và đang tạo ra những triển vọng về thu hút các nhà đầu tư đến với Quảng Trị, đóng góp lớn cho thu ngân sách của tỉnh, góp phần làm thay đổi bộ mặt các địa phương trong tỉnh và nâng cao đời sống của nhân dân.
Để các dự án thực hiện đúng tiến độ, sớm đi vào hoạt động thì công tác giải phóng mặt bằng là một trong những nhiệm vụ phải đi trước một bước, là một nhiệm vụ rất quan trọng và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở. Do đó, cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội.
Nhằm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, các nhà đầu tư và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn, Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dự án để người dân tự giác chấp hành cũng như tham gia giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phát huy quy chế dân chủ, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ngay từ giai đoạn công bố quy hoạch đến triển khai dự án. Phát huy vai trò nòng cốt của người có uy tín trong khu dân cư để phối hợp thực hiện tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, quyền công dân luôn đi đôi với việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, luôn biết đặt lợi ích của mình phù hợp trong lợi ích chung của toàn xã hội, vì sự phát triển của cả cộng đồng. Kiên trì bám cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân, đảm bảo cho những người bị thu hồi đất có thể khôi phục lại hoặc cải thiện mức sống so với trước khi bị thu hồi đất. Chủ động phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng vận động nhân dân không để xảy ra “điểm nóng” về khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng. Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội cần nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phát hiện, ngăn ngừa các tiêu cực dễ nảy sinh trong trong quá trình triển khai các bước, các quy trình thực hiện giải phóng mặt bằng. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các chủ đầu tư dự án đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho đoàn viên, hội viên và người dân trong diện phải thu hồi đất để cung cấp nguồn lao động cho các dự án, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Thủy Phương