|
Ảnh tọa đàm. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại tọa đàm “Chính sách quản lý Fintech”, ngày 20/8, ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, vài năm gần đây, hoạt động Fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung và có nhiều tiềm năng phát triển. Tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63 % dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính.
Tại Việt Nam, theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…
Fintech giúp các giao dịch tài chính trở nên thuận lợi, tiện dụng với số đông người dùng, nhưng cũng phát sinh quan ngại Fintech có thể bị lợi dụng cho các hoạt động không chính đáng.
Chính vì vậy, việc tăng cường quản lý Fintech là cần thiết nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao tính bảo mật, an toàn cho các giao dịch tài chính, bảo vệ quyền lợi cho người dùng. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc xây dựng chính sách không nên vì một số trường hợp cá biệt mà áp đặt những hạn chế, ràng buộc gây bất tiện cho số đông người dùng, làm mất đi ý nghĩa tích cực của Fintech đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số. Đáng chú ý là đề xuất hạn chế giá trị giao dịch và số tài khoản ví điện tử, yêu cầu khai báo thông tin lại… gây phiền hà cho người dùng.
Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, đánh giá các rào cản bảo hộ hiện nay không còn nhiều ý nghĩa do các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cách vượt qua, thông qua việc thành lập các tổ chức bình phong trong nước, hoặc thông qua người Việt Nam đứng tên hộ, do đó, cần tính đến phương pháp quản lý khác.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, đối với Fintech, cần có một cơ chế quản lý rủi ro linh hoạt để có điều chỉnh nhanh theo sự vận động của công nghệ và thị trường. Việt Nam đã có những chính sách khá thoáng trong việc mở cửa một số lĩnh vực tài chính, cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, do đó, không nên quá lo ngại về việc không kiểm soát được lĩnh vực Fintech nếu đã có các cơ chế giám sát khác.
Ông Varun Mittal, Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore, đồng thời là Trưởng Bộ phận tư vấn dịch vụ Fintech tại các thị trường mới của Ernst & Young Singapore đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực Fintech, bắt kịp các quốc gia phát triển trong lĩnh vực này và đứng đầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này ở khu vực do Việt Nam có địa bàn rộng và số lượng dân số đông.
Ông Varun Mittal cũng chia sẻ 4 thách thức hiện nay trong thanh toán điện tử cần quan tâm hàng đầu, đó là làm sao để thu hút doanh nghiệp thương mại, thiếu tương tác lưu thông, thiếu mã hoàn thiện QR code và chi phí sử dụng dịch vụ vẫn còn cao.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện các giải pháp để thúc đẩy số lượng người dùng được tiếp cận với tài khoản ngân hàng đến con số 70%. Một số chuyên gia dự báo trong 5 năm tới, thị trường Finetch sẽ có những sự thanh lọc nhất định, đồng thời có khả năng xuất hiện các "doanh nghiệp kỳ lân" (các doanh nghiệp được định danh trên 1 tỷ USD). Từ đó đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước cần có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech ổn định, cạnh tranh lành mạnh.
Hiền Minh