|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 94 lượt ý kiến và thảo luận tại Hội trường với 17 lượt ý kiến. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đã phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu ý kiến của các vị ĐBQH; gửi Công văn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, phối hợp giải trình, bổ sung báo cáo về một số nội dung của dự án Luật trên cơ sở ý kiến của ĐBQH; tổ chức lấy ý kiến về dự án Luật tại khu vực phía bắc và khu vực phía nam; tổ chức tọa đàm chuyên gia.
Ngày 6/7/2020, Thường trực Ủy ban đã tổ chức phiên họp với Ban soạn thảo, đại diện Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành hữu quan để thống nhất các nội dung chủ yếu báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.
Qua chỉnh lý bước đầu, dự thảo Luật còn 78 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, bỏ 2 diều (Điều 13: Hồ sơ, thủ tục và lệ phí đề nghị gia hạn Giấy phép; Điều 62: Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo) và bổ sung 1 điều mới (Điều 76: Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 38 Luật Việc làm).
Tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận, xem xét, cho ý kiến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền tham gia tổ chức đại diện của người lao động của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chuẩn bị nguồn lao động; hỗ trợ tạo việc làm; đăng ký hợp đồng cung ứng lao động;...
Đề cập tới những vấn đề cụ thể tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần đặc biệt chú ý phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật là những người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, còn các chuyên gia đi làm việc ở các nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau, không phải quy định theo Luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, cần hướng rộng thêm về chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể là không chỉ vấn đề đưa lao động giản đơn mà cần đề cập đến vấn đề đưa lao động chất lượng cao, chuyên gia đi làm việc tại các nước trên thế giới.
Đồng thời, không chỉ quan tâm chuẩn bị về vấn đề ngoại ngữ và lao động mà cần có sự chuẩn bị về vấn đề văn hóa, làm thế nào để những người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có thể giới thiệu, quảng bá về những nét đẹp văn hóa Việt Nam.
Còn Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, Luật ra đời sẽ tạo ra một thị trường cạnh tranh về lao động. Luật có đề cập đến vấn đề về các trung tâm dịch vụ việc làm, ông Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị làm rõ trung tâm này là đơn vị quản lý nhà nước hay đơn vị sự nghiệp.
|
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, UBTVQH đánh giá cao việc Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành hữu quan đã có sự phối hợp kỹ càng, chu đáo trong xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên UBTVQH để hoàn thiện Dự án Luật gửi lại Thường vụ Quốc hội một lần nữa để cho ý kiến, sau đó gửi các đoàn Đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến trước khi đưa ra kỳ họp Quốc hội xem xét, quyết định.
“Dự án luật được thông qua có ý nghĩa quan trọng để tạo lập thị trường lao động, tăng năng suất lao động cũng như quản lý người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc hiệu quả hơn”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu.
Nguyễn Hoàng