Để đạt được mục tiêu đó đòi hỏi các địa phương, ban, ngành liên quan cần học tập để có đủ kiến thức, kỹ năng tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp tương thích với các quốc gia khác đang triển khai; cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, dám đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp tại
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2016. (Ảnh minh họa: Bích Liên)
Chắp cánh cho khởi nghiệp
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) tuy mới hình thành nhưng đã có sự phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Tại các trường đại học, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, sinh viên đang dần dần trang bị cho mình tinh thần khởi nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hiện nhiều sinh viên có ý tưởng tốt nhưng chưa biết cách lập nghiệp bằng năng lực của mình. Đã có nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công nhưng không ít trường hợp gặp khó khăn và thất bại. Đây thực sự là điểm quan trọng đối với các bạn sau khi tốt nghiệp, nhất là với sinh viên khối trường đại học kỹ thuật, thương mại… để các em có thể bước ra đời, lập nghiệp bằng kiến thức của mình. Chính vì thế, cần xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại thì mới có những bước phát triển tốt hơn được ở giới trẻ.
Hiện Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối đang có chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khởi nghiệp ĐMST. Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng thông tin, các tổ chức, cá nhân đang làm khởi nghiệp ĐMST có thể đến Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN để tìm hiểu, tham khảo các chương trình hỗ trợ.
Nói về vấn đề khởi nghiệp ĐMST, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là cụm từ đang được cộng đồng, xã hội quan tâm và nhắc tới nhiều nhất hiện nay. Đặc biệt, sau khi có Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 (còn gọi là Đề án 844) đã thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp ĐMST và xem đây như một giải pháp quan trọng thúc đẩy số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Phạm Dũng Nam - Đại diện Văn phòng Đề án 844 cho biết, về công tác triển khai Đề án 844, đến nay đã thành lập Ban Điều hành Đề án 844; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Điều hành Đề án, Cơ chế tài chính triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án; triển khai xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia; tổ chức ngày hội khởi nghiệp ĐMST Việt Nam. Đặc biệt, trong đợt gọi dự án đầu tiên năm 2017, đã có 67 hồ sơ tham gia, từ đó chọn được 14 hồ sơ tốt nhất để triển khai thí điểm.
Trước khi có Đề án 844, Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam (Vietnam Silicon Valley - VSV) của Bộ KH&CN đã “mở đường” cho việc xây dựng mối quan hệ giữa quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp. Năm 2016, Đề án VSV tổ chức vận hành Chương trình tổ chức thúc đẩy kinh doanh lần thứ 3 (VSVA) và tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng khởi nghiệp khi nhận được khoảng 150 đơn đăng ký, từ đó chọn ra được 10 công ty khởi nghiệp tốt nhất và đầu tư “vốn mồi” cho mỗi công ty trung bình là 10.000 USD.
Để “khởi nghiệp” phát triển và lan rộng
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định, năm 2017 đánh dấu sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp cả nước. Khởi nghiệp ĐMST không chỉ của riêng một Bộ, ngành mà đã mở rộng ra các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các hiệp hội. Nhiều tỉnh và thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Tháp... Những sự kiện như vậy đã giúp cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trở nên thiết thực và hiệu quả hơn.
Ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Trong đó, đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch góp phần thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động để tinh thần khởi nghiệp có sức lan tỏa rộng rãi. Hiện tại, Sở KH&CN Thái Nguyên, các ngành chức năng của tỉnh đang nghiên cứu xây dựng chính sách và triển khai các nội dung hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ ươm tạo và thành lập các doanh nghiệp KH&CN. Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh (nơi đào tạo sinh viên khởi nghiệp) thời gian qua đã xúc tiến một số hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên như: tổ chức “Diễn đàn thắp lửa và kết nối khởi nghiệp”, cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên… Thời gian tới, cùng với sự đồng hành hỗ trợ của tỉnh, hi vọng rằng phong trào khởi nghiệp đổi mới tại các cơ sở đào tạo sẽ có nhiều khởi sắc mới.
Còn tại Hải Phòng, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam, Hải Phòng nhận thức rõ vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khởi nghiệp thành công sẽ đem lại giá trị lớn, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ 100 dự án khởi nghiệp sáng tạo, phát triển 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có ít nhất 20 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hải Phòng cũng xây dựng trung tâm hỗ trợ ĐMST, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST và định kỳ hằng năm tổ chức ngày hội ĐMST, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố với các hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước...
Để phát triển, tạo sức lan tỏa về khởi nghiệp ĐMST, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: “Khởi nghiệp ĐMST thường gắn với rủi ro, nhưng khi đã thành công thì có giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh cao, có tính đột phá, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế của chúng ta tăng tốc và phát triển, đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới. Để hạn chế rủi ro, những ý tưởng, dự án ĐMST nảy mầm và phát triển, chúng ta cần thúc đẩy tạo lập và hỗ trợ phát triển một môi trường ươm tạo tốt - một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có điều kiện phát triển thành công”./.
Bích Liên