Tạo hành lang pháp lý phát triển khoáng sản bền vững 

(Chinhphu.vn) – Tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững, hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản để phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung… là những nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản” ngày 15/9.

 

Nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia giúp hoàn thiện hành lang pháp lý trong khai thác khoáng sản - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Ngày 15/9, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản”. Hội thảo đã có nhiều các ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản.

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát, khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần tạo hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản theo hướng bền vững.

Luật Khoáng sản năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 với 86 điều, trong đó có tới 48 điều nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên quy định trong quản lý khoáng sản, đã được triển khai thực hiện đến nay hơn 5 năm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết, sau khi Luật Khoáng sản được ban hành, thực hiện chức năng giúp Chính phủ thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và phối hợp xây dựng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 6 Nghị định, 5 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010. Hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản 2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản vào nền nếp.

Đến nay, công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã đạt được những kết quả đáng kể với diện tích được điều tra, lập bản đồ địa chất-khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền, nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược đã được điều tra, đánh giá như bauxite, sắt laterit, titan… Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện ngày càng chặt chẽ. Công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc với kết quả đáng kể, góp phần đưa các quy định mới của Luật Khoáng sản đi vào cuộc sống.

“Ngành công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang chiều sâu, nhằm khai thác triệt để, thu hồi tối đa khoáng sản; bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả…”, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định.

Sau hơn 5 năm thực hiện, qua thực tiễn cho thấy một số chủ trương, chính sách cũng như quy định của pháp luật về khoáng sản cần được rà soát, đánh giá nhằm tiếp tục hoàn thiện; có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến thảo luận để đánh giá các nhóm vấn đề: nhận thức của cán bộ và nhân dân về khoáng sản; đánh giá những kết quả đạt được; hạn chế và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, những giải pháp và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa nguồn lực này để phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.

Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, tổng hợp để hoàn thiện báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trình Chính phủ xem xét, quyết định hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoáng sản để phù hợp với thực tiễn và xu hướng chung trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. 

Thu Cúc

548 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 485
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 485
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84577126