Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị. (Ảnh: Phạm Cường) 

Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm thành lập các ban chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết, xây dựng các báo cáo, đề án về những nội dung nêu trên để báo cáo Bộ Chính trị thảo luận, cho ý kiến và trình Trung ương xem xét, quyết định. Quá trình chuẩn bị các Đề án được thực hiện công phu, bài bản. 

Các ban chỉ đạo đã bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng như tình hình thực tiễn của đất nước, khu vực và thế giới để tiến hành tổng kết, nghiên cứu, xây dựng các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo các nghị quyết trình Trung ương.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để xây dựng các báo cáo trình Hội nghị Trung ương lần này.

Tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, vị trí hết sức quan trọng của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên theo huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Trung ương một lần nữa khẳng định: tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.... Trên cơ sở đó, Trung ương thẳng thắn chỉ rõ nhiều khó khăn, vướng mắc; thống nhất ban hành các giải pháp đồng bộ, khả thi, nhằm tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở; xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ có đủ năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức cơ sở đảng thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị; nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và chất lượng đảng viên, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, “trên dưới 1 lòng, dọc ngang thông suốt”, Trung ương dành nhiều thời gian thảo luận, thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là quyết định được các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thảo luận kỹ và thống nhất cao trước khi trình Trung ương lần này. Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc thành lập các ban chỉ đạo ở cấp tỉnh sẽ giúp sớm nhận diện, chỉ đạo đấu tranh hiệu quả với mọi biểu hiện vi phạm pháp luật, rơi vào tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Trung ương cho rằng, đây là việc làm cần thiết, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến đương đầu với “giặc nội xâm”. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Tại Hội nghị lần này, với tinh thần phê và tự phê, thẳng thắn nhìn vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiêm túc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Hội nghị đánh giá hết sức kỹ lưỡng cả ưu điểm, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đặc biệt là chỉ rõ nguyên nhân, đúc rút kinh nghiệm và đề xuất giải pháp khẩn trương, quyết liệt khắc phục vướng mắc, tồn đọng trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh 3 bài học kinh nghiệm; tinh thần đoàn kết, nhất trí cao trong quan điểm, bám sát nguyên tắc trong chỉ đạo và đổi mới phương thức trong quá trình thực hiện.

Cũng tại Hội nghị, Trung ương đã dành nhiều thời gian, thảo luận và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đây là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo môi trường thuận lợi, kiến tạo động lực, huy động nguồn lực cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng. Trung ương đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết, Kết luận có tính chất quyết định đối với sự nghiệp cách mạng cả về trước mắt, lẫn chiến lược lâu dài.

Để tinh thần, chủ trương của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đi vào cuộc sống, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải đồng lòng, quyết tâm thực hiện, sớm biến quyết tâm chính trị của Trung ương thành hành động cụ thể, thiết thực trong cuộc sống.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận đã được thông qua tại Hội nghị sẽ góp phần đưa các chủ trương, định hướng cơ bản, quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, với thành công của Hội nghị lần này và với truyền thống đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trước hết là trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự ủng hộ, hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất định chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

 
Hoa Hiền