Tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa 

(ĐCSVN) - Sáng 13/4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”.

Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần đánh giá tình hình phát triển kinh tế tư nhân, giải quyết những vấn đề cản trở, rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân. Từ đó, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng.

Qua hơn 30 năm đổi mới, kể từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng, kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng và khuyến khích phát triển. Từ chỗ kinh tế tư nhân chỉ được thừa nhận và cho phép tồn tại trong nền kinh tế nhiều thành phần thì đến nay kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế và là một xu thế tất yếu giúp Nhà nước thực thi nhiệm vụ kinh tế đã đề ra- đây là một một bước tiến lớn về mặt nhận thức đối với kinh tế tư nhân. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, đào tạo nguồn lực chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp…, từ đó để tạo sức bật cho kinh tế tư nhân phát triển.

 

Trong giai đoạn 2006-2015 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 40% GDP cả nước, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa. Đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tạo việc làm cho khoảng 1,2 triệu người lao động mỗi năm… Điều này cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế của nước ta hiện nay.

Tuy nhiên, hiện sự phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho khu vực này chưa phát huy được hết tiềm năng của mình. Đó là: kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là hộ kinh doanh cá thể, 97% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu, đổi mới chậm, trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế… 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, những hạn chế, yếu kém của kinh tế tư nhân qua tổng kết, nghiên cứu có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan về cơ chế luật pháp, chính sách của nhà nước và cả về phía doanh nghiệp. Luật pháp, cơ chế chính sách của nhà nước đối với kinh tế tư nhân chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính phiền hà. Một bộ phận cán bộ công chức, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống gây nên nhiều khó khăn trở ngại cho doanh nghiệp, làm cho môi trường đầu tư kinh doanh kém an toàn, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro… Bản thân doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế về năng lực tài chính, trình độ quản lý...

Để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, theo ý kiến của nhiều đại biểu, thời gian tới, Nhà nước cần tạo điều kiện để có thêm nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, đủ năng lực cung ứng cho các nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển. Đồng thời, giảm sự lấn sân của các doanh nghiệp nhà nước đối với khu vực tư nhân. Cần có chính sách tăng cường phát triển khối doanh nghiệp tư nhân để vừa giải quyết những cản trở chung đối với nền kinh tế, vừa tạo nên những đột phá trong phát triển năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, đào tạo nguồn lực có chất lượng cao, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của nhà nước, xây dựng nhà nước nước liêm chính, kiến tạo phát triển, quản trị quốc gia hiện đại, hệ thống dịch vụ công hiệu quả. 

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội đưa ra kiến nghị: Nhà nước phải thực sự là "bà đỡ" liên kết, kết nối, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó quan tâm đến doanh nghiệp tư nhân. Đề nghị tiếp tục đổi mới chính sách theo hướng thực chất, đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch các thủ tục, cắt giảm biệt đãi cho doanh nghiệp nhà nước và sự can thiệp của nền hành chính quan liêu tiến tới xóa bỏ hỗ trợ doanh nghiệp theo thành phần kinh tế, nên hỗ trợ theo ngành, theo lĩnh vực mũi nhọn. Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp, liên kết với khu vực doanh nghiệp. Các địa phương tăng cường tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.../.  

 

 

Minh Phương

548 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 275
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 275
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88179335