Tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt tham gia đấu thầu cao tốc Bắc-Nam 

(Chinhphu.vn) - Trong hồ sơ mời thầu quốc tế, Vụ Đối tác công-tư (PPP) và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu kỹ thông tư của Bộ KH&ĐT về quy định hướng dẫn đấu thầu quốc tế. Phải rà soát soát các quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu của Việt Nam tham gia đấu thầu các dự án cao tốc Bắc-Nam.

 

Dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành 40-50% công tác GPMB, dự kiến khởi công xây dựng vào tháng 7/2019. Ảnh: Báo Giao thông.

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi họp về tình hình triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam diễn ra ngày 27/3.

Theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 đầu tư 654 km đường bộ cao tốc trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long) với tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Về công tác thiết kế kỹ thuật 11 dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, chậm nhất trong tháng 9/2019 phải phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán của toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam.

Đồng thời, Vụ Đối tác công-tư (PPP) cần sớm tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, cơ quan báo chí, đại biểu quốc hội tham gia góp ý vào dự thảo hồ sơ mời thầu.

“Vụ Đối tác công-tư phải tham mưu để Bộ GTVT đề nghị cơ quan có thẩm quyền rút ngắn thời gian đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định, phấn đấu cuối tháng 12/2019 sẽ kết thúc thời gian lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc-Nam đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT”, Bộ trưởng nói.

Các ban Quản lý dự án phải báo cáo danh sách các nhà đầu tư quan tâm đến dự án. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tổ chức các hội thảo nhằm cung cấp thông tin về dự án từ tổng mức đầu tư, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn tín dụng… đến các nhà đầu tư.

Tháng 4/2019 bàn giao toàn bộ cọc GPMB cho địa phương

 

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của 11 dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các Ban QLDA, chậm nhất ngày 15/4 phải trình hồ sơ thiết kế cơ bản. Đến cuối tháng 4/2019, toàn bộ cọc giải phóng mặt bằng cho 654 km của các dự án phải được bàn giao cho chính quyền địa phương.

“Giám đốc các Ban QLDA phải bố trí cán bộ hằng ngày thăm tuyến nhằm phát hiện sự thay đổi hiện trạng, không để xảy ra tình trạng tại một số địa phương nơi dự án đi qua xuất hiện trường hợp cố ý xây dựng công trình trái phép để chờ đền bù giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng yêu cầu.

Trước đó, ngày 21/3, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Chỉ thị nhấn mạnh nội dung cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Trong đó, công tác GPMB là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến tiến độ dự án.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các cơ quan chức năng thực hiện cung cấp đủ, kịp thời các tài liệu cần thiết và tiến độ thực hiện dự án cũng như kế hoạch phân bổ vốn cho công tác GPMB; tổ chức triển khai ngay công tác cắm mốc GPMB, mốc lộ giới theo hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB được phê duyệt (cuối quý I, đầu quý II/2019).

Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương thống nhất phương án giao vốn để các địa phương thực hiện công tác đền bù, GPMB, báo cáo Thủ tướng theo quy định. Các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan phối hợp với các địa phương di dời các công trình trong phạm vi GPMB đáp ứng tiến độ GPMB và kịp thởi xử lý các vấn đề khác có liên quan.

UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua huy động toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc, bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất.

Ưu tiên, tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước trúng thầu

Luật Đấu thầu năm 2013 đã có quy định ưu tiên phát triển nguồn lực trong nước, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu để tạo việc làm cho lao động. 

Luật quy định các điều kiện để các nhà thầu ngoại tham gia đấu thầu quốc tế tại Việt Nam được quy định chặt chẽ hơn, trong đó gói thầu tư vấn, xây lắp, hỗn hợp phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng bỏ thầu giá rẻ nhưng không đủ năng lực thực hiện dự án, Luật quy định phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo từng lĩnh vực cụ thể như lựa chọn nhà thầu, lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, hồ sơ dự thầu bắt buộc phải làm riêng hai túi hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính. Hai túi này được nộp cùng lúc, nhưng khi đấu thầu chỉ mở túi kỹ thuật. Nhà thầu nào được chọn mới tiếp tục mở túi tài chính. Như vậy sẽ bảo đảm nhà thầu có đủ năng lực kỹ thuật được ưu tiên lựa chọn trước.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu 2013 cũng đã bổ sung thêm phương pháp chấm thầu cho phép tính toán, đưa ra chi phí sản phẩm trong cả một vòng đời dự án. Khi đánh giá hàng hóa phải cộng cả chi phí vận hành. Phương pháp này kết hợp được cả tiêu chí kỹ thuật và giá, do đó nhà thầu nào có kỹ thuật cao hơn sẽ được chọn.

Phan Trang
 
662 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 778
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 778
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76807391