Đẩy nhanh 3 dự án bằng vốn ngân sách
Thực hiện Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV, giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn phía Đông với chiều dài khoảng 654km, chia làm 11 dự án thành phần: Từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên - Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang và Vĩnh Long). Tuyến cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia được chia làm 11 dự án, trong đó 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Dự án có chiều dài 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trong 3 dự án đầu tư công, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật (01 gói thầu) và dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã thẩm định, phê duyệt gói thầu đường dẫn hai đầu cầu. Riêng phần cầu chính có kết cấu dây văng bắt đầu thẩm định từ tháng 10/2019. Dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công xây dựng hai gói thầu từ ngày 16/9/2019 và 9 gói thầu còn lại đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai thi công trong quý IV/2019.
Còn lại, 8 dự án PPP hiện nay đã cơ bản hoàn thành công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán. Công tác thẩm định thiết kế đã được phê duyệt toàn bộ các gói thầu thiết kế kỹ thuật dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2019 và phê duyệt dự toán khoảng tháng 11/2019.
Huy động nội lực đầu tư cao tốc
Sau hai tháng chuẩn bị hồ sơ dự sơ tuyển, từ ngày 15/5 - 15/7/2019, Bộ GTVT đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển toàn bộ 8 dự án thành phần cho các nhà đầu tư, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển gồm: 19 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc; 11 hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc - Việt Nam; 15 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam; 3 hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam - Pháp; 10 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc; 01 hồ sơ của nhà đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam và 01 hồ sơ của nhà đầu tư Philippines - Việt Nam.
Trên cơ sở hồ sơ sơ tuyển, qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của bên mời thầu, nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, điều đó cho thấy tính cạnh tranh không cao. Trên cơ sở đó, ngày 14/9/2019 Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án với mục tiêu phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án quan trọng quốc gia, nhằm phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Ngày 10/10/2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 02/2020. Theo đó, so với tiến độ Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2018, đến nay tiến độ của 3 dự án đầu tư công cơ bản bảo đảm, riêng các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ phải kéo dài thêm khoảng 3 tháng.
Trong hồ sơ thông báo mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư đủ điều kiện khi từng tham gia một gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu (thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế).
Đối với liên danh nhà đầu tư, trong hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư trong nước, Bộ GTVT vẫn giữ quy định nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp trong liên danh, mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã bỏ quy định các nhà đầu tư khác tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp so với quy định trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đây.
Ngoài ra, trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT quy định nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% (tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối). Quy định này nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần; nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết doanh nghiệp trong nước lập pháp nhân mới, nhưng phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại cũng không được vượt quá 51%
PV