Hình ảnh tại Hội nghị trực tuyến. (Ảnh:M.P)

Đó là thông tin được Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 17/6 tại Hà Nội.

Theo  Phó Thống đốc NHNN, việc kết nối ngân hàng với doanh nghiệp dù nhiều nơi còn khó khăn, vướng mắc, đặc biệt tại một số vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong việc thu mua lúa, thủy hải sản… hay vùng Tây Nguyên trong việc trồng cây cao su, cà phê… nhưng đã được các tổ chức tín dụng xử lý tích cực, hàng tháng đều có rà soát để kịp thời giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Báo cáo về các kết quả hoạt động cải cách hành chính ngành Ngân hàng, đại diện các vụ, cục của NHNN cho biết, NHNN đã bám sát vào các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, nhằm đáp ứng mục tiêu của ngành là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh.

Vì thế, thời gian qua, hệ thống tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính; chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi… Ngoài ra, các ngân hàng cũng chủ động rà soát tổng thể về phí, giá dịch vụ, giảm thiểu nhiều loại phí, nâng cấp hệ thống công nghệ…

Nhờ những hoạt động trên, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hàng 32/190 (đạt 75/100 điểm), ngang bằng với Singapore và Malaysia – các nước đứng đầu nhóm ASEAN 4. NHNN cũng 3 lần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của bộ, ngành.

Cũng tại hội nghị, các ngân hàng và đại diện NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đã có những báo cáo về kết quả hoạt động và nêu một số kiến nghị để hoạt động cải cách thủ tục hành chính được hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIDV đã tăng cường công nghệ thông tin giúp tăng năng suất công việc lên 5-10%; ban hành 40 văn bản nhằm cải cách thủ tục, giảm thời gian xử lý từng khoản vay; áp dụng giao dịch giải ngân “một cửa”, giảm số lượng chữ ký và hồ sơ khách hàng… nhưng vẫn đảm bảo an toàn theo quy định của NHNN.

Tuy nhiên, để hoạt động thời gian tới hiệu quả hơn, phía BIDV kiến nghị, NHNN nên xem xét quy định hồ sơ linh hoạt, ban hành các quy định pháp lý đối với hoạt động cấp tín dụng trực tuyến, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng…

Ở khía cạnh khác, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) kiến nghị, các cơ quan quản lý nên xây dựng hệ thống liên thông thông tin giữa các cơ quan chức năng. Bởi hiện nay, việc cung cấp thông tin chỉ từ một phía ngân hàng, chưa có việc ngân hàng khai thác thông tin từ phía cơ quan chức năng nhằm nhận diện khách hàng. Vì thế, ông Thắng mong muốn, các cơ quan chức năng làm đầu mối kết nối doanh nghiệp như thuế, hải quan có thể cung cấp thông tin, để ngân hàng đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp, biết được doanh nghiệp nào còn nợ thuế hay có vấn đề về hàng hóa. Hơn nữa, cũng qua đây, ngân hàng có thể nhìn sâu vào đặc thù từng lĩnh vực của doanh nghiệp để đưa ra những chính sách tín dụng sát hơn, cởi mở hơn.../.

M.P