Kết quả nổi bật nhất là đa số các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Đó là tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở mức cao, bền vững, ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm trước tăng 7,34%); dịch vụ tăng 7,42%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,55%; nông nghiệp tăng 2,25%. Chỉ tiêu xuất khẩu vượt kế hoạch và cao hơn nhiều năm gần đây với kim ngạch ước đạt 5.789 triệu USD, tăng 12,1%. Đặc biệt có bước phát triển vượt bậc, khẳng định sự lãnh đạo kịp thời, đúng hướng của Thành phố về phát triển dịch vụ du lịch với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện du lịch Hà Nội, đầu tư hạ tầng du lịch; khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt, tăng 8%, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,33 triệu lượt, tăng 14%....
Có thể nói để có được “bức tranh” kinh tế sáng màu như trên khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời và hiệu quả cao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ cơ sở đến thành phố. Kết quả này cũng đã khẳng định hướng đi đúng đắn khi Hà Nội lấy chủ đề năm 2017 là “Năm kỷ cương hành chính”. Theo đó, thành phố coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu đột phá, được tổ chức, triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung tại các cơ quan, đơn vị, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo sự đột phá về kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới nền hành chính hành động và phục vụ.
Đáng chú ý, Thành phố Hà Nội cũng đã ban hành và thực hiện các kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp. Nhờ vậy, khó khăn trong sản xuất kinh doanh được quan tâm tháo gỡ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Nhiều kết quả đột phá từ chuyển biến nói trên được ghi nhận như chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 6 bậc, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội cũng xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Theo đó, đã thành lập mới là 13.355 doanh nghiệp (tăng 16%) với tổng số vốn đăng ký 101.476 tỷ đồng (tăng 2%); 269 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, những kết quả này vẫn chưa làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô hài lòng. Bởi tổng mức bán ra và doanh thu các dịch vụ xã hội vẫn duy trì tốc độ tăng khá nhưng mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm gần đây. Đó còn là tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp (gần đây nhất là vụ cháy rừng huyện Sóc Sơn); tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn diễn ra; tình trạng ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu diễn biến phức tạp; công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường ở một số làng nghề, một số cụm công nghiệp còn chưa được giải quyết dứt điểm…
Chính vì vậy, phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 9 (khóa XVI) vừa diễn ra, các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ đặt ra đối với thành phố trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, ngành phải vào cuộc với tinh thần của “Năm kỷ cương hành chính”, quyết liệt trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư và triển khai các dự án…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, với kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 7,37% thì trong 6 tháng cuối năm Thành phố phải nỗ lực, đạt tốc độ tăng trưởng trên 9,5% thì cả năm 2017 mới đạt chỉ tiêu tăng trưởng 8,5 - 9%. Đây là thách thức bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước còn có nhiều rủi ro. Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 giải pháp, trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào 3 trụ cột tăng trưởng, đó là kích cầu tiêu dùng nội địa, bởi hiện cơ cấu dịch vụ đã đạt 69,7%, trong khi 6 tháng đầu năm nay dịch vụ, mà bản chất là tiêu dùng tăng có 7,1%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái. Do đó phải bắt đầu từ tăng tiêu dùng nội địa.
Còn theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, lĩnh vực dịch vụ của Thành phố còn nhiều tiềm năng để phát triển, song cần làm tốt các lĩnh vực về quản lý và phát triển thương hiệu, phát triển mạng lưới bán lẻ đến đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cũng lưu ý các quận huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển các chợ và cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy hoạch.
Đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Công Thương, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định: Năm 2017 là năm "bản lề" trong Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020) của thành phố, vì thế việc hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được coi là đà thúc đẩy cho những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 9 (khóa XVI), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
đã nhấn mạnh nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nêu cao ý thức,
trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu. (Ảnh:TH)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh nhiều giải pháp, trong đó nêu cao ý thức, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm trên các lĩnh vực như đầu tư xây dựng, xây dựng nông thôn mới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước… Đặc biệt phải công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với công tác kiểm tra công vụ, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Từ thực tế, có thể khẳng định rằng, để có thể hoàn thành được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2017 thì cả thành phố phải tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng thuận trong việc thực thi mỗi công việc đã đề ra từ thực hiện tốt “Năm kỷ cương hành chính 2017”, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đến đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gắn với tái cơ cấu kinh tế… Nhưng tất cả các công việc này có thành công hay không thì vai trò của mỗi cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là vai trò người đứng đầu mang tính quyết định đến hiệu quả triển khai thực hiện… Chỉ khi người đứng đầu dám hết mình, quyết liệt, đặt lợi ích vì cái chung lên trên hết thì chắc chắn sẽ lôi cuốn tập thể, quần chúng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong 6 tháng cuối năm…/.
Thu Hà