Tạo cú hích để phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm 

(Chinhphu.vn) – Sáng 29/10, Quốc hội thảo tiến hành luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Một số ý kiến bày tỏ tin tưởng việc sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này sẽ thực sự tạo được cú hích để phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm.

 

Ý kiến phát biểu của các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); cho rằng việc sửa đổi này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

“Tôi bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng việc sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này sẽ thực sự tạo được cú hích để phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm của nước ta”, đại biểu Lâm Văn Đoan (Lâm Đồng) bảy tỏ và mong muốn trong dự án luật cần có các quy định cụ thể hơn để có chính sách khuyến khích phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tham gia và hưởng phúc lợi từ hoạt động bảo hiểm.

Nhận định các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên, tuy nhiên, các đại biểu Bùi Sỹ Hòa (Hải Dương), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) và một số kiến đại biểu cho rằng dự án Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác.

Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động về chi phí, việc sử dụng ngân sách nhà nước, chi phí từ các nguồn khác nếu có trong trường hợp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động khi xây dựng hồ sơ dự án Luật.

Nêu ý kiến về Khoản 2 Điều 14 của dự luật về nội dung của hợp đồng bảo hiểm có quy định: “Ngoài những nội dung quy định Khoản 1 Điều này, hợp đồng  bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng quy định như vậy còn chưa chặt chẽ, đề nghị cần phải quy định chặt chẽ hơn bởi các bên có thỏa thuận như thế nào đi chăng nữa nhưng vẫn phải theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm nêu trên, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Long An) đề nghị cần rà soát lại các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhất là các hoạt động kinh doanh bảo hiểm đặc thù để bảo vệ tốt hơn cho người tham gia bảo hiểm, nhất là người nghèo, người lao động, người yếu thế... Về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Uyên đề nghị cần có quy định cụ thể hơn việc cấm hành vi cạnh tranh bất hợp pháp, thiếu lành mạnh vì trên thực tế những hành vi này diễn ra khá phổ biến, cần sớm được khắc phục.

Về hợp đồng bảo hiểm (Chương II), nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát và làm rõ các quy định tại Chương này như hình thức hợp đồng bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, đơn phương chấm dứt hợp đồng... để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, vừa phù hợp với nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, vừa bảo đảm tính đặc thù của hoạt động bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Ngoài ra, các đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Thị Phương Dung (Thái Bình) và một số ý kiến đề xuất dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội.

Đồng thời, có quy định chặt chẽ hơn đối với các loại hình kinh doanh bảo hiểm, tránh bị lợi dụng dẫn đến huy động vốn đa cấp, kinh doanh đa cấp và các hành vi thiếu lành mạnh, vi phạm pháp luật khác được đội mác kinh doanh bảo hiểm.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 156 điều quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Luật không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: Đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP).

Hải Liên

537 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 817
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 817
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87205775