Tạo cơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển bền vững ngành trồng trọt 

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 26 diễn ra vào sáng 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

 


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp. Ảnh VGP/Nguyễn Hoàng
 

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Trồng trọt. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự án Luật Trồng trọt, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trồng trọt, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.

 

Hiện dự án Luật được thiết kế xây dựng gồm 7 chương với 84 điều quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt.

Về nguyên tắc hoạt động trồng trọt, dự Luật nêu rõ: Hoạt động trồng trọt theo định hướng thị trường, tạo môi trường thuận lợi để phát triển hợp tác, liên kết sản xuất; xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung; sản xuất có hợp đồng; sản xuất có chứng nhận chất lượng; bảo đảm an ninh lương thực; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân. Đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng; sử dụng an toàn và hiệu quả các loại vật tư nông nghiệp. Phải thực hiện trong điều kiện môi trường đất, nước, không khí đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Hướng tới nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hoá đồng bộ; áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin; nông nghiệp chính xác, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh. Phát huy lợi thế vùng miền gắn với bảo tồn các giống cây trồng đặc sản, bản địa; bảo vệ các hệ thống canh tác bền vững, các di sản, cảnh quan, văn hóa trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới…

Thảo luận về dự án Luật, nhiều ý kiến của các thành viên UBTVQH cho rằng Luật được xây dựng phải bảo đảm tạo được sơ sở pháp lý vững chắc thúc đẩy phát triển bền vững ngành trồng trọt.

“Chúng ta kỳ vọng rất nhiều; người dân kỳ vọng rất nhiều về việc có những cơ chế, chính sách đột phá trong phát triển bền vững ngành trồng trọt trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế sâu rộng”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.

Nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét, ra công thiết kế để thể hiện rõ hơn hoạt động trồng trọt là một chuỗi từ khâu tạo giống, phân bón, canh tác đến thu hoạch, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cây trồng; bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động trồng trọt. Rà soát lại những điều cấm cũng như xem xét, xây dựng các văn bản về chế tài xử lý nếu vi phạm những điều cấm đã được quy định.

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng chính với việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ.

Về vấn đề này, theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, về bản chất, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp Bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó. Tuy nhiên, điều kiện cấp 2 văn bản trên đều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau như yêu cầu về tên gọi, về kết quả khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định…

Vì vậy, trong Dự thảo Luật quy định việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính và thể hiện như tại Khoản 4 Điều 13 của Dự thảo Luật.


Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng chính với việc cấp bằng bảo hộ giống cây trồng là cần thiết, song cần hết sức cân nhắc, bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp...

Liên quan đến vấn đề về quản lý phân bón (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết có ý kiến cho rằng, quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký” (khoản 3 Điều 46) là không cần thiết, mâu thuẫn với định nghĩa về phân bón, đề nghị làm rõ mục đích của quy định này.

Về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, hiện tại thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn phổ biến trên thị trường. Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, lượng phân bón sản xuất trong nước hiện ở tình trạng cung vượt quá cầu (tổng công suất sản xuất 29,5 triệu tấn/năm với 735 cơ sở sản xuất, chưa kể 4-5 triệu tấn phân bón nhập khẩu hàng năm trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 10-11 triệu tấn/năm; gần 20.000 sản phẩm phân bón đã được công bố hợp quy được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam).

Do vậy, việc quy định “một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký” là cần thiết. Mục tiêu của quy định này là để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại khác nhau gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là nhiều loại phân bón khác nhau.

Tại Điều 41 về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện mua bán phân bón trong dự Luật có quy định: “Người trực tiếp bán phân bón phải có Giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, nông học, hóa học, sinh học”, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định như vậy là rất tốt nhưng cần xem xét vấn đề áp dụng trên thực tế có khả thi hay không khi mà ở các chợ, khu dân cư nông thôn người bán phân bon ở các cửa hàng rất nhiều, rất tràn lan, rất khó kiểm soát.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần tiếp tục rà soát lại dự án Luật theo hướng quy định cụ thể hơn, vì trong dự án luật được xây dựng còn nhiều điều giao cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết.

Đồng thời, có giải thích rõ hơn về từ ngữ, như phân biệt rõ hơn cây trồng hàng năm và cây trồng lâu năm, mức độ lăm năm của cây trồng. Có quy định về cơ chế theo dõi, giám sát trong thực hiện chiến lược phát triển ngành trồng trọt. Xây dựng các quy định rõ hơn trong khâu bảo quản sản phẩm, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, khắc phục tình trạng được mùa mất giá;...

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các quy định trong luật phải chặt chẽ, song phải trên tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đừng để ràng buộc, đừng để có quá nhiều giấy phép con, gây phiền hà, khó khăn không đáng có cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ về bản quyền công nhận giống; quản lý, quy trình sản xuất phân bón, đặc biệt là hướng sản xuất phân bón hữu cơ, chế biến nông sản sau thu hoạch. Cùng với đó là cần cần nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học về việc quy định một số nội dung liên quan đến canh tác, thu hoạch, mua, bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt.

Phát biểu kết luận thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiêm túc tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp cũng như tiếp tục xin ý kiến đóng góp để bổ sung, hoàn thiện đối với dự án Luật, gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó xin ý kiến UBTVQH xem xét, quyết định trước khi trình ra Quốc hội./.

 

Nguyễn Hoàng

450 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1177
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1177
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87085066