Tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn 

(Chinhphu.vn) – Dự án luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn- Ảnh 1.
 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 20/6, Quốc hội nghe báo cáo về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân và xã hội.

Kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II), trên cơ sở phạm vi của quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: "Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn". Dự thảo Luật hiện có bố cục gồm 6 Chương, 65 Điều.

Các chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã được Quốc hội thông qua gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Thẩm tra về dự án luật, Ủy ban Kinh tế (UBKT) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 227/TTr-CP của Chính phủ.

Về định hướng nội dung xây dựng Luật, UBKT cho rằng cần đặc biệt nhấn mạnh đến một số nội dung lớn là: Làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, mối quan hệ của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nguyên tắc, căn cứ lập và điều chỉnh các quy hoạch.

Phân định rõ vị trí, vai trò của các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch, bảo đảm sự liên kết, khớp nối, tránh chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn về nội dung giữa các quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, khó khăn cho công tác quản lý, tạo rào cản đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của người dân và doanh nghiệp.

Kiên quyết xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, cơ chế "xin - cho", "lợi ích nhóm" trong xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai trên thực tế.

Thực hiện phân cấp và phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động, trách nhiệm của chính quyền địa phương phù hợp với năng lực, nguồn lực thực hiện, gắn với đề cao trách nhiệm kiểm soát, giám sát, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của trung ương.

Cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn có tính chiến lược phù hợp với loại và cấp độ quy hoạch cụ thể, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị, kinh tế đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

UBKT khẳng định, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, UBKT đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định tại dự thảo Luật và văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

UBKT nhận thấy, về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ đã bảo đảm theo yêu cầu quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Tờ trình số 227/TTr-CP, Chính phủ đề xuất tên gọi của Luật là "Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn" khác với tên gọi "Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn" được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

UBKT cho rằng, việc xác định tên gọi của luật cần bảo đảm sự thống nhất với nội dung quy định của dự thảo Luật và với quy định của các luật có liên quan, tránh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hải Liên

44 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 919
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 919
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87191556