Tạo cơ hội phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã 

(ĐCSVN) - Nhận thức của chính quyền và người dân về vai trò, vị trí của mô hình hợp tác xã (HTX), duy trì hoạt động, liên kết sản xuất, hạn chế đứt gãy các chuỗi cung ứng, sẽ tạo những cơ hội thuận lợi nhất định cho phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX về số lượng và chất lượng trong năm 2023.

 

Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm và chi phối các hoạt động kinh tế xã hội trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; chuyển dịch năng lượng, ưu tiên năng lượng xanh. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tạo đột phá phát triển nhanh, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu.

Liên minh HTX Việt Nam đặt ra mục tiêu trong năm 2023, KTTT, HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững (Ảnh: PV)

Theo nhận định của Liên minh HTX Việt Nam, nguồn lực tài chính từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia sẽ được cân đối, bố trí thực hiện trong khu vực KTTT, có điều kiện thực hiện từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, nước ta cũng sẽ chịu những thách thức, khó khăn từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột quân sự kéo dài; giá dầu thô, lương thực và các hàng hóa cơ bản biến động mạnh và giữ ở mức cao; quan điểm điều hành chính sách của nhiều quốc gia thay đổi, đảo chiều nhanh, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... diễn biến phức tạp; chịu cạnh tranh mạnh về giá và chất lượng sản phẩm. Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đều giảm so với năm 2022 và giảm sâu so với năm 2021.

Liên minh HTX Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2023 tới đây, KTTT, HTX phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành, nghề, lĩnh vực; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chú trọng phát triển sản phẩm, chế biến sâu, đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; thu hút ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình ở địa bàn nông thôn và thành thị tham gia HTX, THT; nâng cao thu nhập và đời sống của các thành viên; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường.

Với các chỉ tiêu cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam phấn đấu trong 2023 sẽ thành lập mới: ít nhất 3.000 THT; 2000 HTX, 15 LHHTX; 60% tổng số HTX hoạt động có hiệu quả; trên 70% tổng số cán bộ quản lý HTX được đào tạo theo các chương trình, tăng 10% so với năm 2022; tổng số thành viên của HTX tăng từ 5% trở lên so với năm 2022; thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng 10% trở lên so với năm 2022, đạt trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng. Phấn đấu hầu hết các tỉnh, thành phố có Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với vốn điều lệ trên 20 tỷ đồng. Mỗi Liên minh HTX cấp tỉnh xây dựng 2-5 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương.

Để làm được như vậy, Liên minh HTX Việt Nam xây dựng nhóm giải pháp đồng bộ, bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX nhanh, hiệu quả và bền vững; quan tâm phát triển cả HTX nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Thứ hai, phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với kết luận số 45-KL/TW ngày 17/1/2022 của Ban chấp hành Trung ương xác định tổ chức không gian phát triển vùng theo 06 vùng kinh tế - xã hội: Vùng Trung du miền núi phía Bắc: phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; vùng đồng bằng sông Hồng: phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ hiện đại; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung: kinh tế biển kết hợp bảo đảm quốc phòng-an ninh; vùng Tây Nguyên: bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp; công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái; vùng Đông Nam Bộ: phát triển năng động, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; vùng đồng bằng sông Cửu Long: phát triển vùng trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao của cả nước, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ ba, mở rộng thành viên, đa dạng hoá thành viên, đẩy mạnh thu hút hộ cá thể tham gia HTX, THT; phát triển số lượng, qui mô, chất lượng và hiệu quả; HTX, LHHTX, THT nâng cao năng lực quản trị, đào tạo nghề cho người lao động và thành viên gắn với sản phẩm của HTX.

Thứ tư, các HTX, LHHTX nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ lợi ích của thành viên huy động các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác tham gia thành viên, nhất là địa bàn nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực quản trị phù hợp với chức danh cán bộ của HTX; đào tạo nghề cho thành viên và người lao động gắn với các sản phẩm chính của HTX, LHHTX, THT; đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và nâng cao sức cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tăng cường liên kết, hợp tác, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra trong nội bộ HTX, LHHTX.

Thứ năm, THT, HTX, LHHTX tăng cường năng lực quản trị HTX; nâng cao trình độ năng lực quản lý, kinh tế, thương mại, công nghệ cho thành viên. Xây dựng mô hình HTX và tổng kết mô hình HTX hoạt động hiệu quả, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.

Thứ sáu, chính quyền địa phương khuyến khích, hỗ trợ các THT, HTX, LHHTX chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Thứ bảy, đẩy mạnh tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của HTX; khuyến khích liên kết kinh tế giữa HTX, LHHTX, THT hoạt động trong cùng ngành, lĩnh vực; tăng cường liên kết giữa HTX, LHHTX, THT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp.

 

 
Lê Anh
106 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1247
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1247
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87165588