Tại phiên họp Quốc hội chiều 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo kết quả thực hiện về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
15/22 mục tiêu tái cơ cấu kinh tế hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành
Ngày 8/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết 24) với 22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 và 5 nhóm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Nghị quyết 24 đã được triển khai quyết liệt mang lại những kết quả thực chất hơn. Đến năm 2020, hầu hết các nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả. Đặc biệt, việc hoàn thiện thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế được thúc đẩy tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Giai đoạn 2016 - 2020, khoảng 234 văn bản các loại đã được soạn thảo và ban hành, trong đó đã trình Quốc hội thông qua 26 Luật.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: TL) |
Sau gần 5 năm triển khai thực hiên, Chính phủ cho biết đến năm 2020, dự kiến 15 trong số 22 mục tiêu được giao tại Nghị quyết 24 hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 68,2%). Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo được bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như: Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng chưa rõ nét, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) còn thấp, nhất là NSLĐ nội ngành, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu chuyển biến chậm.
Khu vực tư nhân trong nước phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Khu vực dịch vụ chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chậm; hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chậm được cải thiện. Hiệu quả đầu tư công chưa cao, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và nhiều vướng mắc. Tiến độ, chất lượng xử lý nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém chưa theo kịp yêu cầu của nền kinh tế.
“Trong số 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, hai mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỉ lệ nợ xấu đều được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019 nhưng do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nên có thể không hoàn thành trong năm 2020”, Bộ trưởng Dũng nói.
Cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế quyết liệt hơn
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh phải đồng thời giải quyết những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước và tạo tiền đề cho chuyển biến về chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng sau năm 2020, tình hình khu vực, thế giới và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Tuy vậy, còn 7/22 mục tiêu đã có nhiều cải thiện so với năm 2016 và thời điểm đánh giá giữa kỳ năm 2018 nhưng có khả năng không hoàn thành, làm giảm chất lượng, hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó có 3 mục tiêu về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng được Nghị quyết 24 tập trung khoanh vùng xử lý và mục tiêu về số doanh nghiệp đang hoạt động,” ông Thanh nói.
Trong đó, đáng chú ý các mục tiêu thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị quyết 24 cơ bản không đạt, mức độ hoàn thành thấp so với kế hoạch đặt ra. Đến tháng 6/2020, chỉ hoàn thành 28% kế hoạch cổ phần hóa (36/128 doanh nghiệp) theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa trong giai đoạn 2017- 2020; còn 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn do Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND thành phố Hà Nội quản lý.
Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá đầy đủ, báo cáo Quốc hội về các nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai, chưa hoàn thành một số mục tiêu chủ yếu nên trên.
Về định hướng xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, giai đoạn này cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế quyết liệt hơn nhằm nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, “giải phóng” nguồn lực sản xuất của nền kinh tế.
Cơ bản tán thành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 mà Chính phủ trình, song Ủy ban Kinh tế yêu cầu bổ sung, sửa đổi hoàn thiện các quy định về đầu tư công phù hợp với thông lệ quốc tế, bộ máy điều phối phát triển vùng, quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Có lộ trình và giải pháp khả thi tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn để hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ trọng tâm còn lại về cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng của giai đoạn trước trong những năm đầu của giai đoạn này nhằm tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại các lĩnh vực khác của nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Phát triển khu vực kinh tế tư nhân và thu hút, sử dụng FDI có chất lượng, hiệu quả. Cơ cấu lại các ngành, nâng cao năng suất, hiệu quả của từng ngành và của nền kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các ngành và địa bàn kinh tế ưu tiên…/.