Tạo bước phát triển mới cho du lịch tỉnh Quảng Trị 

Nằm trên trục đường Quốc lộ IA từ Bắc vào Nam, ở giữa 2 tỉnh có ngành du lịch phát triển là Quảng Bình và Thừa Thiên Huế; lại nằm trên trục đường Xuyên Á của tuyến Hành lang Kinh tế Đông – Tây (EWEC) với điểm đầu cầu của Việt Nam qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo thuận lợi cho các ngành giao thông, thương mại, du lịch và hợp tác đầu tư với các nước ASEAN. Ngoài các bãi tắm đẹp, nguyên sơ, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng nhiều khu vực có cảnh quan đẹp có thể trở thành các tuyến du lịch, ngoại cảnh hấp dẫn. Hơn thế nữa trong những năm chiến tranh đây là mảnh đất nóng bỏng vì bom đạn để lại nhiều địa danh, di tích lịch sử cách mạng in đậm dấu ấn của một thời khốc liệt mà hào hùng nhất. Tất cả đó là những tiền đề quan trọng để ngành ngành du lịch Quảng Trị phát triển thành một nganh kinh tế mũi nhọn với nhiều loại hình từ du lịch lịch sử cách mạng, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch văn hóa tâm linh đến du lịch sinh thái, du lịch nghĩ dưỡng, mua sắm.

Nhằm phát huy tối đa những lợi thế hiện có, các cấp, các ngành và các địa phương trong toàn tỉnh đã quyết liệt ”vào cuộc” tạo bước đột phá trong phát triển du lịch của tỉnh nhà. Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã tập trung nhiều nguồn lực, nhất là từ nguồn xã hội hóa đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu du khách về lưu trú, ăn uống, tham quan, nghĩ dưỡng. Kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, quy chế quản lý khai thác hiệu quả phục vụ phát triển du lịch bền vững. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xúc tiến du lịch, phát triển thị trường – sản phẩm du lịch, tăng cường giao lưu, quảng bá du lịch. Cùng với đó, nhận thức và tư duy của các cơ quan cũng như người dân làm du lịch có sự thay đổi đáng , thể hiện qua việc thực hiện tốt các vấn đề như ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực, đảm bảo an ninh trật tư, an toàn cho du khách, hàng hóa đảm bảo chất lượng và bán theo giá niêm yết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

          Nhờ những nỗ lực đó, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Quảng Trị tăng đều qua mỗi năm. Với việc các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh cơ bản được hình thành và sản phẩm du lịch đặc trưng được đưa vào khai thác đã tạo cho doanh thu du lịch dịch vụ của tỉnh có bước tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt trên 20%/năm, giá trị gia tăng du lịch chiếm 4,7% GRDP của tỉnh. Ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế; dần trở thành ngành kinh tế quan trọng và khẳng định vị trí của du lịch Quảng Trị trong vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền trung và cả nước.

          Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan, song trong quá trình phát triển, ngành du lịch tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều dư địa phát triển chưa được khai thác hiệu quả. Ngành du lịch mới tập trung dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái sẵn có mà chưa đầu tư trở lại được nhiều. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch đã tăng so với giai đoạn trước nhưng vẫn chưa đáp ứng để phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dịch vụ du lịch chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, cơ sở dịch vụ phân tán, chưa liên kết tạo dựng thành sản phẩm phục vụ du lịch hoàn chỉnh. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, chưa thực sự đạt yêu cầu. Đồng thời, chất lượng quản trị kinh doanh du lịch chưa cao, đội ngũ các nhà quản trị doanh nghiệp còn thiếu nhiều kiến thức nên cũng ảnh hưởng nhất định đến quá trình phục vụ du khách.

Nhận thức rõ vai trò của du lịch và dần từng bước phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, là một khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Quảng Trị đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng du lịch chiếm 7 - 8% GRDP và đến năm 2025 chiếm trên 10% GRDP của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới ngành du lịch Quảng Trị cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Thư nhất, tỉnh cần tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng then chốt các trung tâm du lịch trọng điểm. Đồng thời đa dạng hóa các loại hình đầu tư, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư  để xây dựng các khu vui chơi, giải trí có quy mô lớn, các khu nghỉ dưỡng chât lượng cao tại các khu, điểm du lịch có tiềm năng phát triển mạnh về du lịch. Thứ hai, tỉnh cần đẩy mạnh việc nâng cấp dịch vụ, đa dạng hóa và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Xây dựng được hệ thông các sản phẩm vừa có sự khác biệt, mang đặc trưng của Quảng Trị đồng thời vừa phải có chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao vừa phong phú, đa dạng về loại hình nhằm thu hút khách du dịch. Trên cơ sở tour, tuyến, sản phẩm du lịch đã được xây dựng, cần tập trung nghiên cứu mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược phát triển riêng cho từng sản phẩm. Thứ ba, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm giới thiệu cho du khách biết đến Quảng Trị không chỉ là địa điểm gắn với các chứng tích chiến tranh và hoài niện chiến trường xưa mà còn là một điểm đến hấp dẫn với nhiều thắng cảnh đẹp, lễ hội đặc sắc, văn hóa đặc trưng và đặc sản nổi tiếng. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, phương thức, nội dung của hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch với trọng tâm là đổi mới tư duy, tăng cường nâng cao nhận thức về phát triển du lịch ở các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cùng với đó là xây dựng chiến lược tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước với quy mô, trình độ chuyên nghiệp hơn, gắn với từng thị trường cụ thể. Thứ tư, tỉnh cần rà soát, đánh giá lại để có chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực đang hoạt động du lịch của tỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thứ năm, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch mà tỉnh đã đề ra. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du tỉnh từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tăng cường vai trò và năng lực quản lý nhà nước về du lịch của các phòng văn hóa thông tin cấp huyện.

Trong xu thế hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng như hiện nay, nếu chúng ta kịp thời nắm bắt cơ hội, quyết tâm nỗ lực cho sự ”chuyển mình” thì sẽ mang đến nhiều tiềm năng, vận hội mới để ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững./.

                                                                                                                                           Nguyễn Lan Hương - Sở Kế hoạch & Đầu tư

3279 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin tổng hợp

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1497
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1497
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84186242