Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
(Ảnh: HNV)

Dự Hội nghị có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai. Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn biểu dương các nông dân tiêu biểu về dự Hội nghị lần này, đồng thời kêu gọi các nông dân tiêu biểu nói riêng và nông dân cả nước nói chung tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ cộng đồng cùng nhau phát triển.

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho biết: Trong giai đoạn 2012-2017, phong trào nông dân thi đua sản xuất tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Phong trào đã tạo động lực khích lệ nông dân sáng tạo hăng hái thi đua sản xuất, vươn lên làm giàu; Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; Mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa với lợi nhuận cao…

Đồng chí Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba
cho 20 nông dân tiêu biểu toàn quốc (Ảnh: HNV)

Các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương lớn trong nông nghiệp như: “dồn điền, đổi thửa”, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; Hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn; Tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm; Hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể; Phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn...

Nhiều nông dân đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Trí, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đầu tư trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4 ha. Hay ông Ngô Văn Tiêu, xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai đã áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm theo Công nghệ Israel cho vườn tiêu với 15.000 cây, sản lượng hàng năm đạt gần 45 tấn, cho doanh thu mỗi năm trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận thu được bình quân đạt 1,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm lao động theo mùa từ 30 - 50 lao động.

Phong trào đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Nông dân sản xuất giỏi là hạt nhân nòng cốt tổ chức lại sản xuất, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác và cả doanh nghiệp; Nông dân sản xuất giỏi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua, cả nước đã kết nạp được hơn 2,4 triệu hội viên Hội Nông dân mới, đưa số hội viên toàn quốc đến hết năm 2016 là 10.314.026 hội viên, với hơn 8,7 triệu hộ có hội viên, chiếm 72,1% số hộ làm nông nghiệp. 100% thôn, ấp, bản có nông dân đã có tổ chức Hội, với 94.372 chi Hội và 151.076 tổ Hội…

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
cho 69 nông dân tiêu biểu toàn quốc (Ảnh: HNV)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương những thành tích xuất sắc của nông dân cả nước trong suốt thời gian qua. Được phát động từ năm 1989 đến nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút đông đảo nông dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp – nông thôn của nước ta. Phong trào đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có tác động lan tỏa, khích lệ.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: Trung ương Hội Nông dân cần tích cực tập trung chỉ đạo phong trào, để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, đạt kết quả và hiệu quả cao, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nông dân. Tập trung các nguồn lực, xây dựng các mô hình sản xuất, lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt, làm trung tâm giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác theo chuỗi, nâng giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu hội nhập, nâng cao năng lực cho nông dân. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, động viên, cổ vũ phong trào, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức; kịp thời phát hiện, xây dựng, phổ biến nhân rộng nêu gương người tốt việc tốt, khen thưởng kịp thời các cá nhân, điển hình tiên tiến trong phong trào để nông dân không chỉ tai nghe, mắt nhìn thấy thực tế tạo sức hấp dẫn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ, không ai khác, chính người nông dân – chủ nhân của phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới đồng thời cũng là người trực tiếp hưởng thụ kết quả - trong đó các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiếp tục đi đầu, phát huy cao điển hình tiên tiến, cống hiến nhiều sức lực trí tuệ, có cách làm sáng tạo, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Đặc biệt, với Trung ương Hội Nông dân, Phó Thủ tướng thường trực yêu cầu cần tăng cường củng cố chi hội, tổ hội, phát triển hội viên, nâng cao chất lượng hội viên, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, lấy việc giải quyết khó khăn chính đáng của nông dân làm nội dung hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ hội có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm thực tế tạo ra bước đột phá mới trong công tác hội và phong trào nông dân thời kỳ CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn và hội nhập quốc tế.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã trao tặng 20 Huân chương Lao động hạng Ba và 69 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi./.

Tổng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp năm 2016 đạt hơn 3,55 triệu hộ, chiếm 57% số hộ đăng ký; hơn 2,63 triệu hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp cơ sở chiếm 73,9% tổng số hộ đạt; gần 736 nghìn hộ đạt danh hiệu “ Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp huyện, chiếm 20,7 % tổng số hộ đạt; trên 170 nghìn hộ đạt danh hiệu “ Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, chiếm 4,8 % tổng số hộ đạt; trên 20 nghìn hộ đạt danh hiệu “ Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp Trung ương, chiếm 0,56 % tổng số hộ đạt…

Đáng chú ý, thu nhập của nông dân ngày càng cao. Tính chung cả giai đoạn và cụ thể đạt được năm 2016, có trên 2.200.000 hộ thu nhập đạt từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; trên 775.000 hộ có thu nhập đạt từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trên 340.000 hộ thu nhập đạt từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; trên 165.000 hộ thu nhập đạt từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trên 27.000 hộ thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng là, tăng 5 lần so với giai đoạn 2007 – 2012.

Các hộ nông dân sản xuất giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, trong đó có trên 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc  khâu công việc, giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 8,2 triệu lượt hộ nông dân. Trong giai đoạn 2012- 2017 đã giúp hơn 200 ngàn hộ nông dân thoát được nghèo và đang vươn lên làm ăn khá giả. Phong trào đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi làm được hàng ngàn căn nhà tình thương, nhà tình nghĩa và giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất. Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, tổ chức lại mô hình sản xuất có hiệu quả; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn.

(Nguồn: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam)

Hà Anh