|
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sáng 22/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức hội thảo “Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số”. Đây là hoạt động phối hợp giữa VPCP và JICA trong khuôn khổ dự án "Xây dựng Nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh".
Hội thảo có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng; Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Tetsuo Konaka; các đại biểu đến từ Ban Thư ký Nội các Nhật Bản; Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới; thành viên, chuyên gia Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBQG về Chính phủ điện tử...
Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là xu hướng tất yếu
Tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cảm ơn Đại sứ quán Nhật Bản, JICA đã mang đến kết nối đặc biệt giữa VPCP Việt Nam với Văn phòng Nội các và Bộ Nội Vụ và Truyền thông Nhật Bản, thể hiện qua sự kiện ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về triển khai chính phủ điện tử tại Tokyo ngày 7/8/2019 vừa qua và kết quả của khóa đào tạo, nghiên cứu đầu tiên cho cán bộ, công chức của VPCP và các cơ quan liên quan về chủ đề “Chính phủ điện tử” thuộc dự án “Xây dựng Nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm cải thiện môi trường kinh doanh” do JICA tài trợ và tổ chức từ ngày 29/7 đến 8/8/2019.
Về chủ đề hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhấn mạnh Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số là xu hướng tất yếu và đang diễn ra sôi động tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ.
Nhận thức xu hướng và dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận này và thống nhất quan điểm xây dựng, phát triển CPĐT phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch; đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển CPĐT.
Thời gian qua, việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng và phát triển CPĐT tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để xây dựng thành công CPĐT, hướng tới chính phủ số, rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cần phải triển khai bài bản. Một trong những yếu tố khích lệ quyết tâm triển khai CPĐT tại Việt Nam chính là sự hợp tác, chia sẻ của bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản
Chính vì vậy, các chủ đề được đưa ra trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo này là những chủ đề mang tính chất bao trùm trong phát triển CPĐT, hướng tơi chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, từ tổng quan tới cụ thể đến từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Văn phòng Nội các, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.
Theo ông Tetsuo Konaka, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án của JICA với mong muốn giúp Việt Nam nâng cao năng lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong phát triển CPĐT hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số tại Việt Nam. Thông qua phát triển CPĐT để đơn giản hóa TTHC, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Trưởng đại diện JICA nêu ý kiến hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, VPCP Việt Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp để thúc đẩy chủ trương của Chính phủ. JICA nhận thấy vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ Việt Nam triển khai chương trình này. Vì vậy JICA đã mời các chuyên gia của Nhật Bản tới dự để chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản với mong muốn đề xuất một số gợi ý hữu ích cho việc triển khai CPĐT tại Việt Nam.
Ông Tetsuo Konaka cũng cho biết JICA sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cho Việt Nam trong xây dựng CPĐT trong thời gian tới.
|
Đại diện JICA tại hội thảo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Hiện thực hóa chính phủ số theo phong cách Nhật Bản
Tại hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về chiến lược xây dựng CPĐT, chính phủ số tại Nhật Bản liên quan đến các chủ đề: “Chiến lược chính phủ số và chuyển đổi số của Nhật Bản”, “Chính phủ mở và các dịch vụ công lấy người dùng làm trung tâm”, “Hệ thống thông tin Chính phủ và tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ”.
Đây là những chủ đề mang tính chất tổng quát nhưng cũng hết sức cụ thể về chính sách, thực tiễn triển khai CPĐT, chuyển sang chính phủ số của Nhật Bản.
Về chiến lược từ CPĐT tới chính phủ số tại Nhật Bản, ông Kenji Hiramoto (Chiến lược gia trưởng, Văn phòng Chiến lược quốc gia và CNTT và truyền thông, Ban Thư ký Nội các Nhật Bản) chia sẻ về những nỗ lực liên bộ để giảm 30% chi phí vận hành toàn diện hệ thống nhân sự và biên chế đã và đang được xúc tiến từ năm tài chính 2013; về các dự án liên quan đến tổ chức công cộng địa phương (điện toán đám mây chính quyền địa phương, giới thiệu hệ thống mã số cá nhân...). Những nội dung này đang phát triển thành tiến trình vững chắc và mở rộng sang khu vực tư nhân.
Theo ông Kenji Hiramoto, những sáng kiến này là những trường hợp nổi bật, trong tương lai sẽ được Chính phủ Nhật Bản tiếp tục nhân rộng và thực hiện liên kết dữ liệu, tích hợp dịch vụ trên toàn bộ chính quyền trung ương và địa phương, khu vực tư nhân với mục đích hiện thực hóa chính phủ số theo phong cách Nhật Bản.
Điểm quan trọng trong kế hoạch thực hiện chính phủ số tại Nhật Bản là việc thúc đẩy cải cách dịch vụ hành chính bằng biện pháp liên ngành, trong đó ưu tiên số hóa, liên kết một cửa; thúc đẩy dữ liệu mở và xây dựng tiêu chuẩn dữ liệu hành chính, cấu trúc nền tảng số cho tổ chức. Việc ưu tiên số hóa được tiến hành triệt để trên nguyên tắc trực tuyến hóa các TTHC, triệt để số hóa dịch vụ hành chính sau khi thực hiện cải cách nghiệp vụ, cải cách hệ thống ở mỗi thủ tục.
Việc thúc đẩy cải cách hệ thống thông tin chính phủ vững mạnh, Nhật Bản dự tính giảm khoảng 111,8 tỷ yên chi phí vận hành hàng năm bằng những nỗ lực từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách hệ thống thông tin Chính phủ, giảm 30% chi phí vận hành hàng năm.
Những chia sẻ của các chuyên gia Nhật Bản cũng nhấn mạnh vào quan điểm: "CPĐT, chính phủ số là phương tiện, lấy người dùng làm trung tâm" bởi đây là quan điểm mang tính quyết định mọi vấn đề từ xây dựng chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin đến việc cung cấp từng dịch vụ cụ thể cho người dân, doanh nghiệp.
Đánh giá cao những chia sẻ của các chuyên gia Nhật Bản, các đại biểu cũng quan tâm đến kinh nghiệm của Nhật Bản về định danh và xác thực điện tử trên môi trường mạng; kinh nghiệm hỗ trợ người dân trên môi trường trực tuyến bởi Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi lớn; về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến; mô hình tham chiếu xã hội số 5.0; khung tương tác của Chính phủ; vấn đề an ninh mạng khi triển khai Chính phủ số; về chính sách dữ liệu mở...
|
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trân trọng cảm ơn các chia sẻ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng thông qua hội thảo này, VPCP và các cơ quan liên quan (Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng…) và các thành viên, chuyên gia Tổ công tác giúp việc Chủ tịch UBQG về CPĐT thu được kiến thức và kinh nghiệm quý báu, nâng cao hiểu biết và kỹ năng cần thiết cho quá trình tham mưu, triển khai xây dựng CPĐT, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Trên cơ sở kết quả của hội thảo này, từ những thành công, thách thức, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai xây dựng CPĐT, chính phủ số tại Nhật Bản, VPCP sẽ phối hợp với Bộ TT&TT, các bộ, ngành liên quan và các thành viên, chuyên gia Tổ công tác tiếp tục tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG về CPĐT trong công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai xây dựng, phát triển CPĐT, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Gia Huy