Tạo ‘cầu nối’ cho DN công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển 

(Chinhphu.vn) - Để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) công nghiệp của thành phố tìm kiếm đối tác và đầu ra cho sản phẩm, từ ngày 17-18/9, tại TPHCM sẽ diễn ra hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2020 (SFS 2020).

 

Ảnh: VGP/Lê Anh
Sự kiện là hoạt động thường niên nhằm cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các công ty đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối... luôn có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Các hoạt động chính tại hội nghị là tổ chức kết nối cung cầu trực tiếp (B2B) giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối có nhu cầu hợp tác và tìm kiếm các nguồn cung ứng chi tiết linh kiện phục vụ sản xuất. Dự kiến, có khoảng 20 nhà mua hàng (buyers) lớn tham gia như: Techtronic Industries, Samsung, Mercedes-Benz, Panasonic, Bosch, Nipro, Towa, Juki, Fuji…

Đồng thời, SFS 2020 cũng là nơi trưng bày các chi tiết linh kiện tìm kiếm nhà cung cấp trong nước; các sản phẩm công nghiệp-CNHT tiêu biểu; nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM, thành viên Ban Tổ chức cho biết, điểm mới của chương trình kết nối là “Chương trình nâng cao năng lực cung ứng” cho các nhà sản xuất CNHT được đánh giá tiềm năng sau kết nối tại hội nghị và có tương tác tích cực với nhà mua hàng.

Chương trình nâng cao năng lực cung ứng cho nhà sản xuất CNHT tiềm năng sẽ bao gồm 3 hoạt động và kéo dài từ 3 đến 9 tháng bao gồm: Hợp tác cùng chuyên gia cải tiến tại nhà máy; đào tạo nguồn nhân lực nhà máy sản xuất CNHT; chương trình liên kết CNHT.

Bà Oanh nhấn mạnh, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2020 được kỳ vọng tiếp tục là cầu nối hiệu quả, tạo cơ hội phát triển thị trường cho DN, từ đó giúp DN sản xuất CNHT nhỏ và vừa của Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới thiết bị, tham gia chương trình hỗ trợ kích cầu đầu tư của thành phố theo Nghị quyết số 16/NQ-HĐND của HĐND Thành phố ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT năm 2018-2020 một cách hiệu quả.

Đặc biệt, các DN CNHT đang cũng rất kỳ vọng vào Nghị quyết 115/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 6/8 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới kỳ vọng sẽ tạo nên cú hích lớn cho CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong đó, Nghị quyết đề cập, tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn của các DN để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.

Lê Anh

370 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 3074
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 3074
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76346921