Hình ảnh tại buổi họp báo (Ảnh: L.D)
Ngày 13/6, tại Hà Nội, NHNN đã tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm 2019, định hướng những tháng cuối năm 2019.
Theo NHNN, từ đầu năm đến nay NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, đảm bảo an toàn tài chính.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống được đảm bảo, thông suốt; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng hướng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát.
Về tỷ giá, NHNN nhận định, những tháng đầu năm 2019, thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Nhờ đó, thị trường tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Về chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo, xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu bám sát Nghị quyết 42, thực hiện đánh giá nợ xấu trên từng tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó, đưa ra các biện pháp xử lý cụ thể cho từng tháng, từng quý.
Theo đó, tính đến cuối tháng 3/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ nằm ở Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống còn 5,65%, giảm mạnh so với con số 9,5% năm 2017 và hơn 10% năm 2016.
Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,33 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 03/2019 là 2,02%.
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 117,8 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động thanh toán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt trên 64,1 triệu giao dịch, tương đương gần 35,7 triệu tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, hoạt động này đã tăng 23,23% về số lượng giao dịch và 17,63% về giá trị.
Tính đến hết quý I/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị giao dịch hơn 171.000 tỷ đồng, tăng 18,82%.
Cùng thời điểm, số lượng giao dịch qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 65,8% về số lượng và 13,46% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong khi đó, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu lượt với giá trị hơn 924.000 tỷ đồng, tăng 97,75% về số lượng và 232,3% về giá trị.
Trong thời gian tới, đại diện NHNN cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu. Phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các giao dịch hành chính với NHNN và giao dịch với TCTD góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng phát triển bền vững./.
Minh Phương