Tăng trưởng tín dụng chậm hơn do có tính mùa vụ 

(ĐCSVN) - Theo ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2 tháng qua, tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với cùng kỳ trong khi thanh khoản dồi dào là do có tính mùa vụ.

Chiều 2/3, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, trả lời câu hỏi về thực trạng tăng trưởng tín dụng hiện đang ghi nhận ở mức thấp dù Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp, tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% làm cơ sở để giao chỉ tiêu phân bổ công khai cho từng tổ chức tín dụng. 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ trong khi thanh khoản dồi dào là do có tính mùa vụ.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm thấp. Ảnh: CP 

Nguyên nhân chung là do yếu tố mùa vụ. Sau khi chúng ta có tháng 12 tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng 4%. Thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Còn tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước.

Cụ thể, tháng 12/2023, tăng trưởng tín dụng rất mạnh khoảng hơn 4%. Thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, kéo theo hoạt động cho vay cũng sôi động hơn. Còn tháng 1, tháng 2 là tháng Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý IV năm trước. Cùng đó, năm nay có thêm yếu tố khách quan là tình hình kinh tế thế giới chưa khởi sắc. Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chưa phục hồi mạnh, gây ảnh hưởng đầu ra cho hoạt động xuất khẩu…

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn, nâng cao độ bao phủ tín dụng… Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức hội nghị để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các văn bản để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà khẳng định: Thanh khoản rất dồi dào và ngân hàng sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp đồng bộ các chính sách nâng cao hoạt động của các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, minh bạch và tăng cường năng lực tài chính để việc thẩm định cho vay tốt hơn trong thời gian tới.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vào tăng trưởng tín dụng, nhằm đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, nhu cầu đời sống chính đáng. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

"Năm nay các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản...", Thống đốc cho biết.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, năm nay, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Chính vì vậy ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tại Nghị quyết 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng, tiếp tục rà soát để hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo hướng kéo dài thời gian thực hiện chính sách; rà soát để sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý, kiện toàn và nâng cao hoạt động của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô... nhằm kích cầu tín dụng, tăng khả năng cung ứng vốn tín dụng chính thức cho các nhu cầu phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế "tín dụng đen"./.

 
Bích Hà
77 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 875
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 875
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87199712