Nhiều chuyên gia kinh tế uy tín đã tham dự Tọa đàm (Ảnh: HNV)
Tọa đàm diễn ra sáng 11/7 tại Hà Nội. Được biết, Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý của VEPR được công bố liên tục từ đầu năm 2016, nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II năm 2019 được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam.
Tại Tọa đàm lần này, các chuyên gia kinh tế cũng tích cực tham gia thảo luận và phản biện, gồm có: PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV; TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia Kinh tế, Biên tập viên Cao cấp, Phó Vụ trưởng, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ, Ban Tuyên truyền lý luận, Báo Nhân Dân…
Báo cáo của VEPR chỉ rõ, tăng trưởng đạt 6,76% trong 6 tháng đầu năm; tăng trưởng ở cả ba khu vực kinh tế đều bộc lộ dấu hiệu suy yếu, nhất là với nhóm ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá ảm đạm, chỉ đạt 2,39%; Dịch vụ tăng trưởng 6,69%; Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng ở mức 8,93%, thấp hơn so với cùng kì năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp IPI tăng 9,7%
Cũng 6 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ và chỉ số sản xuất đều tăng nhẹ, trong khi tồn kho lại tăng lên tới 16,1%, gây nguy cơ xảy ra đình trệ sản xuất tạm thời, doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Quý II tăng trở lại, ở mức 51,9 điểm. Số doanh nghiệp thành lập mới 38.514 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 484,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,8%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động thấp hơn so với cùng kì năm trước, chủ yếu các doanh nghiệp bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe. Lao động có xu hướng chuyển dịch ra ngoài khu vực công nghiệp, tăng trưởng lao động trong ngành đạt mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây (2,3%). Lao động trong nhóm FDI chỉ chiếm dưới 10% tổng lượng lao động.
Tọa đàm là hoạt động thường xuyên của VEPR được duy trì từ năm 2006 đến nay (Ảnh: HNV)
6 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.391,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (43,6%), tăng trưởng cao đạt 16,4%
Lượng vốn FDI tăng trưởng bất ổn qua các quý từ năm 2018 đến nay. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% do tác động tiêu cực của dịch tả lợn châu Phi, điều chỉnh giá điện cuối Quý 1/2019, tăng giá sách giáo khoa và thực hiện lộ trình tăng trần học phí đại học và sau đại học và giá xăng dầu giảm mạnh có tác động đến kiềm chế lạm phát.
Thu ngân sách đạt 597.786 tỷ đồng tăng so với cùng kì năm trước. Nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có đóng góp lớn vào thu ngân sách nhưng dự báo sẽ giảm dần do tác động giảm thuế từ các FTA và hiệp định EVFTA. Cơ cấu thu thuế từ các khu vực kinh tế còn tồn đọng nhiều vấn đề: nhóm doanh nghiệp và tổ chức ngoài quốc doanh chiếm khoảng 8% cơ cấu GDP nhưng đóng góp tới 36,35% (năm 2018) nguồn thu thuế từ sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính cũng dự toán bội chi 222 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 3,6% GDP.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, kinh tế thế giới chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng đồng loạt trong Quý II/2019. Căng thẳng thương mại tiếp tục đặt nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc dưới nhiều bất ổn, đồng Euro giảm giá mạnh so với USD và GBP, Nhật Bản vẫn chưa thoát khỏi cơn khát nhân lực. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong Quý II ở mức 6,71%, phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Cả ba khu vực đều trải qua mức tăng trưởng yếu trong 6 tháng đầu năm. Việc gia tăng đều giá nhóm hàng giáo dục, giá lương thực, thực phẩm tăng do dịch tả lợn châu Phi cùng với giá nhiên liệu biến động bất ổn khiến lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới. Sự chuyển dịch của dòng FDI vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ CPTPP, EVFTA và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo nhiều cơ hội tăng trưởng của Việt Nam. Đặc biệt, xóa bỏ các rào cản đầu tư kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp với vốn, thông tin, công nghệ, minh bạch và công bằng thuế… đang là cơ hội nhưng cũng là thách thức với sự phát triển bền vững của nước ta.
Do đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế tại Tọa đàm, Việt Nam nên tập trung vào các chính sách về tài khóa, tiền tệ và tỷ giá để đối mặt bất ổn của kinh tế thế giới theo hướng, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt; giữ lãi suất ổn định; hạ thấp đòn bẩy và lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng; từng bước xây dựng “đệm tài khóa” thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên…/.
Việt Hà