|
Cầu Đình Vũ-Cát Hải là cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á |
Bài học Hải Phòng
Nếu như mấy năm trước đây, Hải Phòng dường như mờ nhạt trong bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam, thì giờ đây lại trở thành một trong những ngôi sao sáng khi hàng loạt tập đoàn trong và ngoài nước như VinFast, Sun Group, BRG Group... chọn nơi này làm đại bản doanh đầu tư. Năm 2018, thành phố cảng phía bắc đã thu hút được tổng cộng 2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gấp 2,7 lần so với năm trước.
Xu thế trỗi dậy của Hải Phòng không thể không nhắc đến vai trò của nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được Trung ương và Thành phố đầu tư. Đáng kể nhất là đường cao tốc dài 105,5 km nối Hải Phòng với Hà Nội, đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện dài 10,19 km và cầu vượt biển Đình Vũ-Cát Hải có chiều dài dài nhất Đông Nam Á (5,44 km).
Thêm vào đó là tuyến đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai cũng giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh phía bắc Lào Cai và cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng xuống chỉ còn khoảng 6 giờ.
Vùng kinh tế Hải Phòng mang đến vô số lợi ích cho những công ty đến đây thiết lập trụ sở, góp phần làm Thành phố này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.
Không chỉ có Hải Phòng, mà nhiều địa phương khác ở phía bắc như Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Nguyên gần đây đã lột xác trở thành các ngôi sao mới nổi nhờ một loạt dự án hạ tầng đi vào hoạt động. Mới đây, sân bay quốc tế Vân Đồn được khánh thành, dự kiến sẽ tiếp thêm một động lực tăng trưởng mới cho khu vực, tương tự như trường hợp của Đà Nẵng hay Phú Quốc.
Và nghịch lý vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Tuy vẫn là đầu tàu kinh tế của cả nước, nhưng gần đây, các tỉnh, thành phố miền Nam có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của 8 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam tăng trưởng 6,6% giai đoạn 2016-2018, tức chỉ ở mức trung bình so với cả nước, trong khi các tỉnh, thành phố miền Tây vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Lý do là dù đã được đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm qua nhưng chất lượng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn lớn của vùng kinh tế này.
Điển hình như ở TPHCM, hàng loạt dự án trọng điểm vẫn tiến triển ì ạch. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, địa phương này đến nay chỉ đạt tỉ lệ 2,1 km đường/km2 diện tích, trong khi theo chuẩn thì con số này phải là 10 km. “Như vậy, để đạt chuẩn 10 km đường/km2, nếu với tốc độ xây đường của Thành phố như vừa qua thì phải cần 50 năm nữa mới làm đủ đường. Đây là một khó khăn”, ông Nhân cho biết.
Đó còn là thực trạng hoạt động cầm chừng của cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải vì hệ thống đường bộ chưa được đầu tư tương xứng. Hay tuyến cao tốc kết nối từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây chỉ mới dừng lại ở trạm dừng chân Trung Lương với chiều dài khiêm tốn là 40 km.
TPHCM và miền Nam sẽ cần thêm các cú hích về hạ tầng để có thể phát huy được tiềm năng của mình.
Cách đây mấy ngày, cầu Vàm Cống, cây cầu dây văng thứ 2 bắc qua sông Hậu sau cầu Cần Thơ, chính thức đưa vào vận hành sau bao năm mong chờ. Đó có thể là cú hích, giúp cải thiện đáng kể năng lực gắn kết của dải đất miền Tây với TPHCM và thị trường Campuchia.
Nhưng các tỉnh, thành phố miền Nam vẫn còn nhiều việc phải làm khi đến nay, vùng đất này mới sở hữu 11% tổng quy mô đường cao tốc cả nước mặc dù GDP chiếm hơn 55% của cả nước.
Công Trí