Tăng trưởng kinh tế 10 tháng: Từng bước hướng về đích năm 2018 

(ĐCSVN) – Mục tiêu kinh tế năm 2018 được các chuyên gia dự đoán có thể khả thi và minh chứng là bức tranh kinh tế 10 tháng với những tăng trưởng khá, thậm chí cao ở một số ngành, lĩnh vực trọng tâm.

Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, tăng trưởng cao trong sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá (Ảnh: Tin nhanh chứng khoán)

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố mới đây, sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì ổn định, nhất là trong tháng 10, tập trung vào chăm sóc, thu hoạch lúa mùa, lúa thu đông trên cả nước và gieo trồng cây màu vụ đông ở phía Bắc. Vụ lúa mùa năm 2018 cả nước gieo cấy được 1.689,7 nghìn ha, bằng 98,7% vụ mùa năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.105,7 nghìn ha, bằng 97,5%. Cùng với chăm sóc và thu hoạch lúa mùa, các địa phương trong cả nước đã cơ bản kết thúc sản xuất lúa hè thu với diện tích gieo trồng đạt 2.052,8 nghìn ha, giảm 13,7 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước.

Chăn nuôi gia súc và gia cầm nhìn chung ổn định. Đàn trâu cả nước trong tháng ước tính giảm 1% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò tăng 2%; đàn lợn tăng 2,1%; đàn gia cầm tăng 5,6%. Tính đến thời điểm 25/10/2018, cả nước không còn dịch lở mồm long móng và dịch tai xanh trên lợn; dịch cúm gia cầm còn ở Đắk Lắk. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong tháng 10, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 25,7 nghìn ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 10 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 186,9 nghìn ha, giảm 0,6% so với cùng kỳ 2017.

Về thủy sản, trong tháng 10, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 671,7 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ 2017. Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 372,6 nghìn tấn, tăng 7,3% so với cùng 2017. Đáng chú ý là thời tiết biển tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng của cả nước ước tính đạt 299,1 nghìn tấn, tăng 6,7% so cùng kỳ 2017. Tính chung 10 tháng, sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.172,9 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ 2017.

Chỉ số tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp khá khả quan. Theo thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tính tăng 7,7% so với cùng kỳ 2017. Tính chung 10 tháng năm 2018, IIP ước tính tăng 10,4% so với cùng kỳ 2017, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%…

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2018 của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó Hà Tĩnh là địa phương có tốc độ tăng cao nhất với mức 105,6% do có sự đóng góp của Tập đoàn Formosa, tiếp theo là Thanh Hóa tăng 30,3% chủ yếu do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn mới đi vào sản xuất từ giữa năm 2018.

Đặc biệt, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10/2018 tăng 3,1% so với cùng thời điểm 2017 và cũng tăng cao ở một số địa phương: Hải Phòng tăng 15,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,8%; Hà Nội tăng 5,7%; Đồng Nai tăng 5,2%; Quảng Ninh tăng 2,7%; Quảng Nam tăng 1,8%; Hải Dương tăng 1,5%; Vĩnh Phúc tăng 0,8%; Cần Thơ tăng 0,6%; thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương cùng tăng 0,4…

Doanh nghiệp thành lập mới tăng 4,3% so với cùng kỳ 2017

Cũng theo Tổng cục Thống kê, tháng 10, cả nước có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 41,9% về số doanh nghiệp và tăng 79,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, cả nước có 109.611 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 9,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Bên cạnh đó, còn có 27.935 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 22,7% so với cùng kỳ 2017, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm nay lên hơn 137,5 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 10 tháng năm 2018 là 924,8 nghìn người, giảm 5,3% so với cùng kỳ 2017.

Số liệu thống kê cũng chỉ rõ, số doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều tăng. Các khu vực đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ vẫn là những nơi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ 2017.

Dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng so với cùng kỳ

 

Kinh tế tháng 10 và 10 tháng 2018 theo số liệu thống kê  tăng trưởng khả quan (Ảnh: HNV)

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2018 thu hút 2.458 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15.028,2 triệu USD, tăng 18,7% về số dự án và giảm 7,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 954 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6.543,3 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ 2017.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng năm nay ước tính đạt 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng năm 2018 còn có 5.342 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,3 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 889 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 2,2 tỷ USD và 4.453 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,1 tỷ USD.

10 tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.855,6 triệu USD, chiếm 45,6%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.102,6 triệu USD, chiếm 34%; các ngành còn lại đạt 3.070 triệu USD, chiếm 20,4%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 10 tháng năm nay đạt 11.542,4 triệu USD, chiếm 53,5% tổng vốn đăng ký; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 5.192,2 triệu USD, chiếm 24,1%; các ngành còn lại đạt 4.836,9 triệu USD, chiếm 22,4%.

Cả nước có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 10 tháng năm nay, trong đó Hà Nội có số vốn đăng ký lớn nhất, tiếp đến là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Tây Ninh, Ninh Thuận và Bắc Ninh.

Một tín hiệu sáng nữa là đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm nay có 121 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 297,4 triệu USD; 26 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 47,1 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 10 tháng năm 2018 đạt 344,5 triệu USD. Trong 10 tháng có 35 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào là nước dẫn đầu, sau đó đến Ô-xtrây-li-a, Xlô-va-ki-a…

Xuất khẩu cán mốc cao hơn ước tính, nhập khẩu vẫn tăng

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 9/2018 đạt 21.125 triệu USD, cao hơn 625 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10 ước tính đạt 20,80 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 200,27 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 10 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 39 tỷ USD. Tiếp đến là EU đạt 34,9 tỷ USD, Trung Quốc đạt 32,1 tỷ USD, thị trường ASEAN đạt 20,6 tỷ USD, Nhật Bản đạt 15,3 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 15 tỷ USD…

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 9/2018 đạt 19.513 triệu USD, thấp hơn 287 triệu USD so với số ước tính. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10 ước tính đạt 20,70 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 193,84 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ 2017. Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 52,9 tỷ USD, tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Tháng 10 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 10 tháng tiếp tục xuất siêu 6,4 tỷ xuất 6,4 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,1 tỷ USD.

HA.NV

550 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 791
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 791
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87222333