Tăng trưởng GDP cả năm 2024 ước đạt 6,8 - 7%, vượt mục tiêu 

(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Sáng 9/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.

Ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu

Trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp

Trong nước, chúng ta đã kịp thời kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, giữ ổn định tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Tình hình KT-XH nước ta khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trên cơ sở kết quả của 8 tháng, ước cả năm 2024 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu xã hội, đạt chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân sau 3 năm không đạt.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số kết quả nổi bật, như tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát, nợ công, nợ Chính phủ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu cho phép. Tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng 4,04%; cả năm ước tăng dưới 4,5%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh thực hiện tăng lương từ ngày 1/7/2024.

Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Phát triển kết cấu hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ, có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế…

Những tháng cuối năm 2024, Chính phủ cho biết sẽ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt khoảng 7%, hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu.

Tăng cường quản lý thị trường vàng, bất động sản

Toàn cảnh phiên họp 

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh một số thành tựu trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đồng thời đề nghị quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Đó là, tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện. “Đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Cùng với đó là tình trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu ở mức cao, việc xử lý các ngân hàng yếu kém còn chậm, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm còn thấp, khả năng hấp thụ vốn và tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế.

Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như chậm triển khai Quy hoạch điện lực quốc gia, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. 

Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH đồng tình với những đánh giá của Chính phủ về kết quả được trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành đã hết sức nỗ lực, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, với kết quả hoàn thành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu mà Quốc hội giao.

Nhấn mạnh một số điểm cần chú ý thời gian tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, dù chúng ta cố gắng nhưng thị trường vàng vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục quản lý, chấn chỉnh thị trường vàng để đảm bảo thị trường trong nước và quốc tế ngày càng gần nhau.

Đề cập đến thị trường bất động sản, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, thị trường bất động sản thường xuyên diễn biến rất phức tạp, giá nhà chung cư tăng rất cao; với giá chung cư như hiện nay, người có nhu cầu khó tiếp cận được với thị trường bất động sản. Do đó, bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý thị trường bất động sản.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng nêu băn khoăn về việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn chậm, các nghị định của Chính phủ ra đời nhưng một số văn bản hướng dẫn của địa phương rất chậm; cần đẩy nhanh tiến độ ban hành./.

 
TG
58 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Kinh tế

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 809
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 809
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87016634