Chiều 19/11, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ.
|
Cuộc họp báo chuyên đề tại Bộ Tài chính.Ảnh:VGP/Huy Thắng. |
Có cải thiện nhưng tiến độ chậm so với mục tiêu
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính Đặng Quyết Tiến cho biết, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2017 – 2020, sẽ cổ phần hóa 127 doanh nghiệp. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017). Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).
Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, TP.HCM theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào. Còn TP.Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018; đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.
Như vậy, Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 09 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị). Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Tuy vậy, vẫn có sự chậm trễ trong bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế công tác giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Quy trách nhiệm rõ hơn với người đứng đầu doanh nghiệp
Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp-Bộ Tài chín tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa có nhiều thay đổi trái chiều.
Bên cạnh những doanh nghiệp tổng tài sản tăng, lợi nhuận tăng thì vẫn có doanh nghiệp phát sinh lỗ.
Cụ thể, có 35 doanh nghiệp với tổng số lỗ phát sinh là 844 tỷ đồng; tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 47.297 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó, một số doanh nghiệp cổ phần có số lỗ phát sinh lớn như Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh lỗ phát sinh 70 tỷ đồng; Tổng công ty LICOGI lỗ phát sinh 59 tỷ đồng...
Như vậy có thể thấy, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp cổ phần hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu như Công ty CP Lương thực và Dịch vụ Quảng Nam (âm vốn chủ sở hữu 79 tỷ đồng); Công ty cổ phần XNK Đà Nẵng (âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng)...
Như vậy, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, có hiện tượng doanh nghiệp sau cổ phần hóa có chiều hướng hoạt động đi xuống.
”Có thể theo Luật quản lý vốn để doanh nghiệp rà soát lại. Chế tài xử lý thế nào đối với người đại diện phần vốn nhà nước đều được quy định rõ. Hơn ai hết các cổ đông và họp đại hội đồng cổ đông có quyền phế truất luôn. Ví dụ Công ty điện Quảng Ninh vừa qua khi hoạt động không hiệu quả, thua lỗ đã thay hết lãnh đạo", ông Đặng Quyết Tiến nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Ban Đổi mới doanh nghiệp cho rằng, DNNN mạnh yếu hay không, căn cứ nhiều tiêu chí, lợi nhuận. Năm 2016-2017, DNNN có tăng trưởng các mặt tiêu chí, tăng vốn lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước, và nếu so sánh với các khối doanh nghệp khác thì DNNN giữ vai trò quan trọng làm công tác chính sách xã hội hoặc cứu trợ khó khăn… là những thực tế không chối bỏ được.
“Mục tiêu của chúng ta là đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN trọng tâm Tập đoàn, Tổng công ty đòi hỏi phải có sự đổi mới. Trong đó là thay đổi cơ chế quản trị, thay đổi điều hành sản xuất kinh doanh bảo đảm minh bạch công khai, nâng cao hiệu quả hoạt động hiệu quả hơn, tương xứng nguồn lực các DN đã có”, ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Còn theo phân tích của ông Đặng Quyết Tiến, trong quá trình cổ phần hóa, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước. Một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
“Bộ Tài chính chỉ là ngang cấp kiến nghị thanh tra, kiểm toán, chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, biện pháp công khai thông tin trước công luận và lãnh đạo doanh nghiệp phải giải trình trước lãnh đạo Chính phủ cũng là sức ép quan trọng với người đứng đầu doanh nghiệp không làm tốt”, ông Đặng Quyết Tiến nói.
Bộ Tài chính cũng cho biết, vào ngày 21/11 tới đây, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Huy Thắng