Cần thiết tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
Thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá điếu đã được xây dựng và có lộ trình từ năm 2006 đến nay (từ 55% lên 75% với mức tăng 5%/lần và thời gian giãn cách giữa các lần điều chỉnh tăng là 3-4 năm/lần). Theo đề xuất sửa đổi mới nhất của Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá sẽ có mức tăng thuế liên tục theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030. Trong đó, Phương án 1: Năm 2026 vẫn giữ nguyên mức 75% và bổ sung 2.000 đồng/bao. Từ năm 2027 - 2030, mỗi năm thuế tăng thêm 2.000 đồng/bao. Đến năm 2030, mức thuế tuyệt đối là 10.000 đồng/bao.
Phương án 2: Năm 2026 giữ nguyên tỉ lệ tính thuế 75%, mức thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao, mỗi năm sau tăng thêm 1.000 đồng/bao. Đến năm 2030, thuế tăng lên 10.000 đồng/bao.
Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá đang áp mức thuế suất cao nhất là 75%. Nhiều ý kiến cho rằng, sửa luật thuế TTĐB cần đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu NSNN, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kiểm soát sản phẩm nhập lậu, sản xuất lậu...
|
Một vụ vận chuyển thuốc lá lậu bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: hanoimoi.vn. |
Thống kê trên cả nước hiện có khoảng gần 14.000 hecta gieo trồng cây thuốc lá, tập trung ở nhiều tỉnh, thành như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Đắk Lắk... Những vùng trồng nguyên liệu thuốc lá đã và đang giúp cải thiện sinh kế cho nhiều bà con vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra khoảng 11.000 việc làm trực tiếp.
Ông Vi Nông Trường – Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá đạt 920 ha; sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn; cho người dân thu nhập trên 100 tỷ đồng là 112 tỷ đồng. Trong năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá tăng nhẹ, tổng diện tích gieo trồng cây thuốc lá đạt 948 ha; sản lượng ước đạt 2.158 tấn, doanh thu ước đạt trên 114,3 tỷ đồng. Nhiều người dân khác tại địa phương cũng có thêm công ăn việc làm khi tham gia các công đoạn phân loại và ép kiện cũng như các nguồn thu nhập phụ trợ kèm theo. Huyện Chi Lăng có khí hậu và thổ nhưỡng rất đặc biệt, cấy lúa vào tháng 5 âm lịch gặt vào tháng 8 âm lịch và do không chủ động về nước tưới nên thời gian còn lại trong năm bà con nông dân ruộng để hoang. Việc tìm kiếm và chuyển đổi sang loại cây trồng khác hợp với khí hậu thổ nhưỡng để thay thế cây thuốc lá và mang lại sinh kế ổn định cho người nông dân vùng trồng nguyên liệu là không hề đơn giản vì thời tiết diễn biến phức tạp, cây thuốc lá có thể sinh trưởng tốt và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế để tìm giải pháp thay thế cây thuốc lá bằng các cây trồng khác nhưng qua khảo nghiệm người dân đều lựa chọn cây thuốc lá vì tính hiệu quả của nó. Và hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn, thuốc lá là chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp duy nhất vận hành hiệu quả từ khâu đầu tư, sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông” - ông Vi Nông Trường chia sẻ.
Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, thì nhu cầu sản xuất theo đó sẽ giảm đi, kéo theo nguyên liệu đầu vào phải giảm theo. Và như vậy thì rõ ràng cần phải tính đến tác động của những người nông dân đang sản xuất tại vùng nguyên liệu. Đồng thời phải có phương án để thay đổi, chuyển dịch hoạt động sản xuất, giúp người dân đảm bảo được sinh kế, góp đảm bảo đời sống kinh tế - xã hội. Ở góc độ doanh nghiệp, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tăng thuế mạnh, sẽ gây sốc cho doanh nghiệp. Điều này sẽ khiến sản xuất giảm đi, và thuế đóng góp sẽ giảm theo.
“Bây giờ đánh thuế vào thì khối lượng tiêu dùng ít đi, các doanh nghiệp thuốc lá phải sản xuất ít đi thì thuế của các doanh nghiệp thuốc lá đóng góp sẽ ít đi, như vậy sẽ giảm nguồn thu ngân sách; những người sản xuất nguyên liệu cho sản xuất thuốc lá cũng sẽ ít đi, công ăn việc làm cũng ít đi” - Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công cụ kinh tế là tăng thuế để tăng giá, để mà hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì sẽ khó thành công. Bởi lẽ đối tượng dùng thuốc lá hiện nay không phải là người có nhiều tiền mà chủ yếu là những người thu nhập thấp. Như vậy rõ ràng ở đây không phải là về kinh tế, mà có thể sẽ tác động nhiều vào nhóm người nghèo, và tác động ngược là khó tránh khỏi.
Áp dụng kinh nghiệm quốc tế
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Công ty Pwc nhấn mạnh, nhìn rộng ra trên thế giới, kinh nghiệm từ Malaysia chỉ ra rằng, sau khi nước này tăng thuế TTĐB giai đoạn 2014-2015, sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm 55% chỉ sau 5 năm. Điều đáng nói là vào năm 2020, thuốc lá lậu chiếm 65% thị phần, gây thất thoát 5,1 tỷ Ringgit tiền thuế. Từ đó, thu ngân sách sau tăng thuế giảm so với thời điểm trước tăng thuế.
Hay như tại các nước châu Âu khác. Trong giai đoạn 2002-2005, khi thuế TTĐB tuyệt đối đánh vào thuốc lá tại Đức tăng 48% và thuế tương đối tăng khoảng 8% thì người tiêu dùng chuyển sang mua thuốc lá từ các quốc gia khác. Lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34%, và ngân sách Nhà nước cũng giảm theo. Còn tại Vương quốc Anh trong năm 2011, sau khi tăng 30% thuế TTĐB tuyệt đối, thuốc lá lậu tăng và chiếm khoảng 20% thị trường vào năm 2016, gây thất thu thuế khoảng 2,5 tỷ bảng Anh.
Đứng trước những bài học của các quốc gia trên thế giới, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có những đánh giá tác động cụ thể, trong đó, đánh giá hành vi tiêu dùng là rất quan trọng.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về các dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trong đó có dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh, đây là luật thuế tác động tới nhiều ngành hàng, doanh nghiệp, người dân. Thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam./.