Tăng sức đề kháng trước nguy cơ tấn công của vi rút trên không gian mạng 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của internet, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đã có bước phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, thuật ngữ mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người đùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Tại Việt Nam, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội bắt đầu du nhập từ những năm 2000 dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Đến nay, theo số liệu do Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin Truyền Thông, cả nước có 530 mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động (chưa tính mạng xã hội Zalo và các mạng xã hội nước ngoài khác), Theo báo cáo của Digital Marketing Việt Nam năm 2019 có tới 64 triệu người dùng internet, trong đó, số người tham gia mạng xã hội là 58 triệu người, chiếm 60% dân số. Trang bình mỗi ngày người Việt Nam tham gia internet chiếm 6 giờ 42 phút, trong đó mạng xã hội chiếm 2 giờ 32 phút. Đối tượng sử dụng internet, mạng xã hội thường xuyên nhất là nhóm lứa tuổi từ 15-40 tuổi. Nhóm đối tượng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, những người trẻ, có điều kiện tiếp cận với máy tính và mạng internet, nhanh nhạy trong việc tiếp thu những tiến bộ khoa học công nghệ cũng như những trào lưu mới trên thế giới. Một số mạng xã hội có lượng người tham gia đông như Pacebook, Youtube, Zalo, Instagram, Viber, Wechat... tuy nhiên thông dụng và đông người tham gia chủ yếu tập trung trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube..; một số mạng xã hội trong nước như VCnet (Ban Tuyên giáo Trung ương), Mocha (của Tập đoàn Viettel), Lotus, wêbtretho, Zing Me, Go.vn... cũng được một số tổ chức, cá nhân tham gia.

Theo qui định tại Điều 2, Luật An ninh mạng 2018, không gian mạng là “mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lí và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn không gian và thời gian”.  Còn xét theo góc độ mối quan hệ xã hội, không gian mạng hình thành những “môi trường ảo” và thúc đẩy thay đổi một cách căn bản quá trình tiếp nhận, tương tác, chia sẻ thông tin của toàn xã hội. Quá trình học tập, hình thành thói quen, tư duy, cảm xúc, đạo đức, lối sống, quan điểm, tư tưởng của từng cá nhân mà đặc biệt là giới trẻ đang chịu sự tác động và đã có những biến chuyển rõ rệt những năm qua. Không gian mạng đã hình thành các yếu tố tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác định hướng dư luận, công tác tuyên truyền, giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa.

Lợi dụng thực trạng về xu hướng tiếp nhận và tính xác thực thông tin còn yếu trên không gian mạng, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng để phát tán thông tin xấu, độc, thông tin bịa đặt, sai sự thật… nhằm tạo ra các đợt “khủng hoảng truyền thông” để thu hút sự quan tâm của dư luận mà không cần quan tâm đến những tác động tiêu cực, những ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội chỉ để phục vụ lợi ích kinh tế, mục đích khác của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Bên cạnh đó, cùng với xu thế hội nhập, không gian mạng trở thành môi trường tác nghiệp để phóng viên cơ quan báo, đài nước ngoài thu thập thông tin, tư liệu, thực hiện các phỏng vấn về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt nam. Bên cạnh những thông tin tích cực vẫn có không ít những thông tin sai sự thật về sự phát triển của Việt Nam.

Tình trạng “giật tít, câu view”, “hướng lái” dư luận, gây hiểu sai về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Trong đó, tập trung hướng vào lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lí kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác thông tin từ những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để xuyên tạc vai trò lãnh đạo, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt về bí mật theo kiểu hé lộ những “thâm cung bí sử” trong Đảng… Qua đó, tác động “dương Đông kích Tây” làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động xã hội nảy sinh quan điểm tùy tiện, phản biện vô nguyên tắc, phản đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin; thúc đẩy lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (nhất là thế hệ trẻ) làm phai nhạt lí tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội...

Với sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin, mạng viễn thông, không gian mạng trở thành môi trường mới, một bộ phận cấu thành không thể thiếu và có vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế tri thức, thiết lập các mối quan hệ cộng đồng theo các hình thức tương tác mới, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Những phát minh mang tính đột phá như: trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây… đã làm cho không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích, chưa từng có. Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như: chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và bình luận, giúp cho giới trẻ tăng cường các mối quan hệ, tăng cường tri thức hiểu biết, cung cấp nguồn giải trí lớn cho người sử dụng. Ngày 27/9/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đã nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, đảng viên cũng không thể “đứng bên lề” mà cần “nhập cuộc” để ứng dụng, nắm bắt thông tin, để nêu gương trên môi trường mới càng trở nên quan trọng và cần thiết.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, mà cốt lõi là ứng dụng công nghệ thông tin trong hầu khắp các lĩnh vực, mỗi đảng viên cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, an toàn; đóng góp hiệu quả trong việc hình thành hệ sinh thái số, xã hội thông tin, xã hội học tập và phát triển nền kinh tế tri thức trên không gian mạng; qua đó hình thành môi trường thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất  nước.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng đã xác định rõ: “Không gian mạng trở thành môi trường tác chiến thứ năm, làm thay đổi phương thức tiến hành chiến tranh, xuất hiện các hình thái chiến tranh mới, tác động sâu sắc tới quốc phòng, an ninh, hòa bình của mọi quốc gia, khu vực và thế giới”. Để làm chủ được không gian mạng cần làm chủ cả về mặt kỹ thuật lẫn nội dung. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trước mắt, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, phối hợp và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, tác động xấu đến người dùng và môi trường không gian mạng.

Với mỗi cán bộ, đảng viên, trước thông tin bịa đặt, xuyên tạc phải luôn tỉnh táo, cảnh giác, luôn là người biết gạn đục khơi trong, không bị tác động, ảnh hưởng bởi những thông tin đó. Hơn thế nữa, phải có được sự miễn dịch với thông tin xấu, không chia sẻ, bình luận để tiếp tay cho thông tin xấu. Mỗi đảng viên nên tham gia vào không gian mạng với tư thế chủ động, tỉnh táo và sáng suốt./. Hoài Thơm

 

 

354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 982
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 982
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76784389