Tuy nhiên với quá trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, làm cho một bộ phận thanh niên Quảng Trị có lối sống thực dụng, thích hưởng thụ, lười lao động, ngại khó, ngại khổ, không có hoài bão, thiếu ý chí phấn đấu, thờ ơ với xã hội, vi phạm pháp luật, mắc tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa, trật tự an toàn, an ninh xã hội và sự phát triển của tỉnh.
Trước thực trạng đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã xác định nếu để văn hóa độc hại xâm nhập sâu rộng sẽ dẫn tới khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau, làm hủy hoại, xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy giải pháp đưa ra cần phải tăng sức đề kháng cho thanh niên để chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại.
Sức đề kháng chính là yếu tố chống lại các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào làm ảnh hưởng đến sự phát triển. Tác nhân ngoại lai có thể tạm chia thành 2 loại: những yếu tố thuộc môi trường bên ngoài và yếu tố nội tại bên trong.
Muốn chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa ngoại lai độc hại trước hết phải nhận diện đúng và trúng những biểu hiện lệch lạc về văn hóa, đặc biệt là những thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi của các thế lực thù địch và bọn phản động ẩn náu đằng sau sự thoái hóa, “giật dây” cho thoái hóa về mặt văn hóa. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chính là giải pháp đầu tiên được các cấp bộ Đoàn chú trọng nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tính cấp bách và tầm quan trọng trong việc duy trì nền văn hóa đạo đức lành mạnh, nâng cao năng lực và trình độ nhận biết, đánh giá để bài trừ, tẩy chay các sản phẩm văn hoá độc hại. Thông qua các hoạt động thực tiễn như “Tuần lễ thanh niên làm theo lời Bác”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Hành trình “Về nguồn”; tổ chức các hoạt động kết nạp đoàn viên mới tại các địa chỉ đỏ; gặp gỡ, giao lưu với các nhân chứng lịch sử; xây dựng, tu sửa các địa chỉ đỏ; giáo dục nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho đoàn viên, thanh niên nhận thức đầy đủ về lý tưởng, về các giá trị văn hóa tiêu biểu của Đảng, của dân tộc, của thanh niên Việt Nam. Hiểu được lịch sử và những giá trị văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam, thanh niên sẽ nhận diện được những sản phẩm đi ngược lại truyền thống văn hóa, những sản phẩm văn hóa độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội, từ đó nâng cao khả năng xem xét, đánh giá các giá trị thẩm mỹ, biết phân biệt và đấu tranh ngăn ngừa, loại bỏ những thị hiếu thẩm mỹ lệch lạc, phản động, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật và các quy định về bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại cho thanh thiếu nhi nhằm ngăn ngừa nguy cơ vi phạm, tái vi phạm pháp luật được các cấp bộ Đoàn triển khai toàn diện, sâu rộng tới đông đảo đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân.
Khi đã nhận diện được “virus văn hóa độc hại”, các cấp bộ Đoàn đã triển khai nhiều giải pháp để bài trừ, chống sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa độc hại. Điểm nhấn là việc xây dựng trang facebook chuyên đề và thành lập Tổ giúp việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở cấp tỉnh và 12 trang facebook chuyên đề của Đoàn cấp huyện để trực tiếp tham gia đấu tranh phòng chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Qua đó, hơn 400 tin, bài phản biện/năm đã được đăng tải, chia sẻ, góp phần tích cực tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ trước sự chống phá của các thế lực thù địch, trong đó nhiều bài viết thu hút lượng lớn số lượt tiếp cận, tương tác và bình luận từ người dùng facebook, bình quân trên 1.800 lượt tiếp cận/bài, một số bài viết có từ 5.000- 10.000 lượt tiếp cận; đặc biệt các bài viết về những vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm thu hút hơn 15.000 lượt tiếp cận/bài. Để tăng sức đề kháng cho thanh niên chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị đã tổ chức quán triệt Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội, Đội chủ chốt các cấp; chỉ đạo các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc triển khai đến các cơ sở Đoàn, Hội, Đội phù hợp, thiết thực, hiệu quả; Xây dựng Kế hoạch thực hiện Thông báo kết luận 213-TB/TW của Ban Bí thư về đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”, Kế hoạch về đẩy mạnh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và đấu tranh phản bác các thông tin xấu độc trên Internet”, Kế hoạch về tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên nghiện ma túy, mắc tệ nạn xã hội”, CLB “thắp sáng niềm tin”, “Tuổi trẻ với pháp luật”; đồng thời, chỉ đạo Đoàn trường học xây dựng CLB phòng, chống ma túy trong trường học và ký cam kết “3 không” với Công an các huyện, thị, thành phố, qua đó xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, nghĩa là “xây” dựng môi trường văn hóa lành mạnh để “chống” các sản phẩm văn hóa xấu độc, phản văn hóa và cũng chính là giải quyết yếu tố nội tại bên trong. Để tạo môi trường văn hóa lành mạnh, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động chuyên mục “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, góp phần lan tỏa và chia sẻ sâu rộng đến đoàn viên, thanh thiếu nhi những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện mang giá trị nhân bản, lối sống nhân văn, tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi. Thiết lập các trang cộng đồng trên một số mạng xã hội; thực hiện các video clip, bộ ảnh, poster cổ động, phóng sự, phim ngắn để tuyên truyền, lan tỏa những hành động, nghĩa cử, giá trị tốt đẹp, những gương điển hình trong xã hội; giới thiệu tinh hoa văn hóa thế giới, truyền thống văn hóa dân tộc; giáo dục thẩm mỹ, đạo đức, lối sống nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng. Xây dựng 360 chuyên mục Thanh niên trên Đài PTTH tỉnh, 130 chuyên trang Thanh niên trên Báo Quảng Trị, 12 số Đặc san Tuổi trẻ Quảng Trị, hơn 7.000 tin, bài trên Website Tỉnh đoàn và hàng trăm tin, bài trên các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương (từ năm 2010 đến nay) tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Đoàn Thanh niên; phản ánh trung thực, khách quan tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, đất nước và các vấn đề thời sự quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng môi trường văn hóa với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên đăng ký những việc làm cụ thể học tập, làm theo tấm gương của Bác; đưa việc học tập, làm theo lời Bác trở thành sinh hoạt thường xuyên của các cấp bộ Đoàn.
Nhằm tăng cường minh bạch thông tin, thỏa mãn và đáp ứng nhu cầu về văn hóa cho đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong thanh niên thông qua việc tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại; chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình địa phương, trong nước và thế giới để kịp thời định hướng tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên. Các phong trào thi đua yêu nước, phong trào văn hoá- văn nghệ được các cấp bộ đoàn triển khai sâu rộng và đều khắp, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia, điển hình như phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”, “Khi tôi 18”, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Chủ động phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nếp sống văn hoá văn minh, xây dựng con người về nhân cách, đạo đức, lối sống, hướng tới những giá trị cao đẹp, “chân, thiện, mỹ”, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, và thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Một yếu tố nội tại quan trọng được các cấp bộ Đoàn chú trọng đó là xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên có văn hóa, có đạo đức, có bản lĩnh chính trị, có ý chí phấn đấu hy sinh cho lý tưởng của Đảng, của dân tộc, luôn xung kích, tình nguyện, sẵn sàng với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”; có tâm thế, bản lĩnh trước sân chơi toàn cầu, có kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết để không bị choáng ngợp trước sự xâm nhập văn hóa độc hại. Đây chính là yếu tố then chốt trong xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.
Văn hóa là gốc rễ, là cội nguồn làm nên sức mạnh nội sinh và sức sống của mỗi dân tộc. Nâng cao sức đề kháng văn hóa cho dân tộc chính là góp phần giữ gìn, duy trì giá trị và sức mạnh văn hóa Việt Nam luôn trường tồn, bền vững trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay. Với những cách làm hay cùng sự nỗ lực cố gắng của các cấp bộ Đoàn trong thời gian qua, tin tưởng rằng thanh niên Quảng Trị sẽ tiếp tục là lực lượng nồng cốt, xung kích, gương mẫu, đi đầu trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các sản phẩm văn hóa độc hại, góp phần củng cố nền tảng đạo đức xã hội, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./. Thủy Phương