Tại cuộc họp báo chuyên đề chiều ngày 25/5, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách-Bộ Tài chính cho biết để tăng cường quản lý chi, sự ra đời của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… đã giúp quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách, giúp chuyển biến tích cực hơn.
|
Ông Võ Thành Hưng. - Ảnh:VGP/Huy Thắng |
Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 cả nước đã tiết kiệm được 51.401 tỷ đồng (trong đó tiết kiệm kinh phí, vốn của nhà nước 47.945 tỷ đồng; tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp nhà nước 3.456 tỷ đồng).
Ông Võ Thành Hưng khẳng định, các nội dung công khai ngân sách ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ, nhất là với Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực từ 2017), giúp cho người dân có thể theo dõi giám sát toàn bộ quy trình ngân sách từ khâu xây dựng chính sách, trình dự toán ngân sách, thực hiện, quyết toán ngân sách, kiểm toán và việc thực hiện các khiến nghị của kiểm toán.
Cụ thể, Bộ Tài chính công khai từ khâu xây dựng ban hành cơ chế chính sách thu, chi ngân sách. Theo Luật Ban hành các quy phạm pháp luật, dự thảo các chính sách thu chi ngân sách trước khi ban hành sẽ được công khai trên trang điện tử của các Bộ, ban ngành trong 45 ngày, để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức cá nhân có liên quan. Dự toán NSNN khi trình Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp cũng phải được công khai.
Theo ông Võ Thành Hưng, ngoài việc công khai dự toán/quyết toán đã được cấp có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn, Luật quy định còn phải công khai tình hình thực hiện NSNN trong năm (quý, 6 tháng, năm) để giúp cho việc theo dõi, giám sát toàn bộ quy trình ngân sách. Kết quả kiểm toán ngân sách, cũng như việc giải quyết các kiến nghị của kiểm toán cũng phải được công khai…
Hình thức công khai được quy định cụ thể, rõ ràng, trong đó yêu cầu bắt buộc phải công khai trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh và Sở Tài chính để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin.
Đối với các đợn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị được NSNN hỗ trợ, cần công bố thông tin tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở, phát hành ấn phẩm, đưa lên trang điện tử, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Luật NSNN năm 2015 cũng bổ sung quy định NSNN được giám sát bởi cộng đồng và giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân góp ý, kiểm tra, giám sát quá trình quản lý và sử dụng NSNN; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm chế độ quản lý tài chính.
Đây là những nỗ lực đáng kể của Bộ Tài chính trong việc tăng cường tính minh bạch ngân sách. Khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ, nhưng thực tế hiệu quả đến đâu thì cần có thêm thời gian kiểm định.
Chuyên gia tài chính công Vũ Sỹ Cường cho rằng, tính minh bạch ngân sách của Việt Nam theo quy định cũ từ năm 2016 trở về trước được đánh giá rất kém ở trong khu vực. Việc thiếu minh bạch cùng với việc hiện tượng tham nhũng, chi phí không chính thức trong khu vực công, chi tiêu lãng phí còn nhiều, chính là một trong những nguyên nhân gây ra tâm lý phản đối khá mạnh của người dân trước mỗi động thái điều chỉnh chính sách thuế, dù có nhiều nước khác, mức thu thuế cao hơn so với ở Việt Nam.
“Đúng ra, việc thu thuế để tái đầu tư có thể phục vụ cho nhu cầu người dân, tuy nhiên sự minh bạch ngân sách thấp, giải thích không thuyết phục, người dân không thấy được lợi ích mình từ đồng tiền thuế, động cơ nộp thuế giảm đi”, chuyên gia Vũ Sỹ Cường nói.
Do đó, Luật NSNN 2015 được kỳ vọng sẽ công khai nhiều chỉ số, nội dung hơn và sẽ tạo chuyển biến tích cực.
Huy Thắng