Việc tập trung phát triển các cây trồng chủ lực gồm: Cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa chất lượng cao, cây dược liệu, cây gỗ rừng trồng đã và đang giúp ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Trị chuyển biến theo hướng bền vững khi vừa gia tăng giá trị sản xuất vừa có đầu ra ổn định.
*Liên kết sản xuất
Mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ do Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (công ty) phối hợp với Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng và các đơn vị khác triển khai từ vụ Đông Xuân 2021 – 2022, đang mở ra hướng tăng thu nhập và tiêu thụ lúa ổn định cho nông dân.
Trong mối liên kết này, công ty hỗ trợ nông dân chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ, phun chế phẩm bằng máy bay không người lái. Trong khi đó, người dân cam kết thực hiện nghiêm quy trình sản xuất lúa hữu cơ như: Không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu; thay vào đó là sử dụng các chế phẩm sinh học tự nhiên để cung cấp dinh dưỡng và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa.
Mô hình cho sản lượng lúa hữu cơ đạt 65 - 70 tạ/ha. Giá lúa tươi bán tại ruộng 11.000 đồng/kg, cao gấp gần 2 lần lúa thông thường; trừ chi phí thu lãi trên 30 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ này được mở rộng lên 200 ha ở vụ Hè Thu 2022, dự kiến đạt 400 ha vụ Đông Xuân 2022 – 2023 và 1.000 ha vào năm 2025.
Theo ông Nguyễn Quân, thôn Kim Long, xã Hải Quế, sản xuất lúa hữu cơ liên kết với doanh nghiệp, nông dân có cơ hội áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào trồng, thu hoạch và bảo quản sản phẩm nên giảm bớt công lao động và chi phí; sản phẩm làm ra bán được giá cao, dễ tiêu thụ nên yên tâm sản xuất.
Cây dược liệu cũng đã và đang được tỉnh tập trung phát triển bền vững, thông qua việc khai thác gắn với phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến giữa tháng 8/2022, tỉnh có khoảng trên 3.550 ha cây dược liệu tập trung ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Hiện nay, tỉnh tập trung khai thác các cây dược liệu chủ lực như: Tràm các loại, chè vằng, an xoa,, giảo cổ lam, cà gai leo.
Nguồn nguyên liệu dồi dào từ cây dược liệu đã giúp tỉnh đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Trong tổng số trên 90 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị hiện nay, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: cà gai leo, chè vằng, an xoa.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, giai đoạn từ năm 2022 – 2026, tỉnh đầu tư gần 53 tỷ đồng để thực hiện Đề án: Khuyến khích phát triển dược liệu gắn với OCOP.
Mục tiêu đến năm 2026 tỉnh có 4.500 ha cây dược liệu; đồng thời có thêm từ 15 - 20 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu; trong đó, có ít nhất một sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Qua đó đưa các sản phẩm dược liệu trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.
Một cây trồng chủ lực khác cũng đang mang lại giá trị cao là rừng trồng sản xuất. Tỉnh hiện có gần 120.000 ha rừng trồng, sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000 – 1 triệu m3/năm; trong đó có trên 23.000 ha rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Rừng gỗ lớn FSC sau 10 năm trồng cho thu nhập từ 180 – 220 triệu đồng/ha, cao hơn gấp 2 – 3 lần rừng thông thường. Sản phẩm từ rừng gỗ lớn có sức cạnh tranh cao trên thị trường và xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng đầu tư giữ ổn định vùng chuyên canh sản xuất cà phê ở huyện miền núi Hướng Hóa với trên 4.000 ha. Từ nhiều năm qua, cây cà phê đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 8.000 hộ dân; trong đó hơn một nửa số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao năng suất và giá trị cà phê, giai đoạn từ 2017 - 2025, tỉnh hỗ trợ tái canh trên 1.900 ha và đến năm 20230 hoàn thành tái canh toàn bộ diện tích cà phê. Tỉnh cũng đang hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất đối với cây hồ tiêu và cây cao su. Tỉnh hiện có hơn 2.500 ha hồ tiêu và trên 19.000 ha cao su, tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và Hướng Hóa.
*Ứng dụng công nghệ cao
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, xác định mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng đã xác định phát triển kinh tế dựa trên ba trụ cột chính: Công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch.
Trên tinh thần của hai nghị quyết này, tỉnh đã và đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững. Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nhiều dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó nhiều dự án đầu tư phát triển cây trồng chủ lực.
Chỉ mới được đưa vào trồng 3 năm trở lại đây nhưng cây dược liệu an xoa đã trở thành cây trồng chủ lực ở huyện Cam Lộ, khi cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. An xoa được ứng dụng công nghệ cao cả trong quá trình trồng theo hướng hữu cơ và chế biến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, sản phẩm "Cao dược liệu an xoa" được chế biến sâu từ cây an xoa đã được xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Do đó địa phương đang xây dựng vùng chuyên canh cây an xoa quy mô 200 ha để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trên địa bàn Quảng Trị, công nghệ cao được ứng dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như: Trồng trọt trong nhà kính, tưới nước nhỏ giọt tự động, chăm sóc cây trồng bằng thiết bị bay không người lái. Công nghệ cao cũng được ứng dụng để chế biến sâu các sản phẩm từ cây trồng để xuất khẩu như: Chè vằng hòa tan, Cà gai leo, Linh chi hòa tan Cagali, Đông trùng hạ thảo Sa Mù.
Điểm mới trong ứng dụng công nghệ cao đó là hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 2/2022, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Quảng Trị hợp tác về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Sau 6 tháng triển khai, đến nay nhiều hộ đã có thể kết nối, tiêu thụ nông sản trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quangtri.Postmart.vn. Sàn giao dịch thương mại điện tử này đã có 30 gian hàng với 600 sản phẩm chủ yếu là nông sản và sản phẩm OCOP.
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn các sàn giao dịch thương mại điện tử khác với hàng trăm sản phẩm được trưng bày như: quangtritrade.vn, VoSo.vn; qua đó giúp kết nối giữa người nông dân và cơ sở sản xuất sản phẩm với người tiêu dùng nhanh chóng.
Ông Lê Bá Hàn, thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong chia sẻ, trước đây, để có đầu ra cho sản phẩm, người nông dân phụ thuộc vào thương lái, đây cũng là khâu trung gian chủ yếu. Hiện nay, người nông dân có thể tự giới thiệu, tự quảng bá và bán các sản phẩm do mình làm ra khắp cả nước thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nông dân được hỗ trợ tập huấn hướng dẫn cách đăng ký tài khoản mua bán, cách đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Theo Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, việc hỗ trợ các hộ dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử giúp quảng bá, kết nối thị trường cho các sản phẩm OCOP và nông sản chủ lực của các địa phương; qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tránh bị phụ thuộc vào thương lái và trung gian.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế của từng vùng miền, địa phương; đẩy mạnh tích tụ đất đai, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh; xây dựng vùng nông nghiệp chuyên canh hàng hoá tập trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa…/.