Tăng gia trên miền cát trắng 

Biên phòng - Đồn Biên phòng Mỹ Thủy, BĐBP Quảng Trị đóng quân trên vùng cát trắng Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, nguồn nước ngọt khan hiếm. Thế nhưng, 2 năm gần đây, nhờ tăng gia sản xuất, đơn vị đã đưa vào bữa ăn cho bộ đội thêm 5 nghìn đồng/ngày; sản phẩm tăng gia còn được bán ra thị trường.
p0fn_4a

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mỹ Thủy tích cực tăng gia, sản xuất. Ảnh: Trúc Hà

Trò chuyện với Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị về mô hình mới, nhân tố mới, anh đã hào hứng giới thiệu với tôi mô hình điểm về tăng gia sản xuất ở tuyến biển là Đồn Biên phòng Mỹ Thủy. Trên tuyến biển của Quảng Trị có 4 đồn Biên phòng và 1 hải đội. Những năm qua, việc tăng gia sản xuất ở các đồn Biên phòng tuyến biển luôn là bài toán khó đối với các đơn vị. Bởi vậy, sự thành công của Đồn Biên phòng Mỹ Thủy là cơ sở để các đơn vị còn lại có thêm động lực khi triển khai mô hình tăng gia sản xuất, đảm bảo thực phẩm cho đơn vị trong điều kiện khó khăn, thời tiết khắc nghiệt của vùng biển.

Theo lời giới thiệu của Đại tá Lê Văn Phương, chúng tôi tìm về Đồn Biên phòng Mỹ Thủy. Càng tới gần khu vực biên giới biển càng nhận thấy rõ vùng đất này bị ảnh hưởng nặng bởi cát bay. Những trảng cát trắng kéo dài, cát xen kẽ với nhà dân, lấn vào cả khu sản xuất. Những năm trước đây, các xã ven biển của huyện Hải Lăng triển khai thực hiện các dự án PAM, 337, trồng keo, tràm, nhưng cũng chỉ ngăn được phần nào cát lấn.

Đồn Biên phòng Mỹ Thủy cách biển vài trăm mét, bởi vậy khuôn viên của đơn vị cũng đầy cát. Trước đây, do không tăng gia sản xuất được rau xanh và chăn nuôi gia súc, gia cầm nên nhà bếp phải nhập rau, thực phẩm từ bên ngoài vào là chủ yếu. Tuy chưa xảy ra mất an toàn thực phẩm, nhưng giá thành cao, chất lượng bữa ăn cho bộ đội bị ảnh hưởng rất nhiều. Ở vùng đất khô khát, địa phương cũng chưa tìm ra mô hình trồng, nuôi loại cây, con gì cho hiệu quả để đơn vị học tập làm theo. Nhưng, không chịu đầu hàng khó khăn, được Phòng Hậu cần, Bộ Chỉ huy hỗ trợ, Ban chỉ huy đồn quyết tâm nhận làm “mô hình điểm” về tăng gia sản xuất của BĐBP Quảng Trị.

Với 50 triệu đồng tạm ứng của Bộ Chỉ huy, đơn vị đầu tư xây dựng kiên cố chuồng trại để phát triển đàn lợn, gà, vịt. Đàn lợn của đơn vị lúc nào cũng duy trì 4 lợn nái để lấy giống, lợn thịt luôn có từ 30-70 con, có thời điểm lên tới cả trăm con. Tôi đặt câu hỏi, thức ăn ở đâu cho đủ với lượng lớn lợn này, Trung tá Hoàng Văn Viễn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Thủy cho biết: Đơn vị liên hệ với nhà máy chế biến tinh bột sắn ở huyện Hải Lăng thu mua bã. Chúng tôi ủ men bã sắn rồi cho lợn ăn. Lượng rau đơn vị tăng gia ăn không hết được bổ sung làm thức ăn cho lợn, gà, vịt. Dù nuôi nhốt, nhưng đàn vịt gần 200 con thả trong khu chuồng rộng hơn 300m2, có các hồ nước nên vịt vẫn có thể bơi và chạy bộ. Với hơn 100 con gà, ngày nào chiến sĩ phụ trách cũng thu được gần 20 quả trứng.

Số trứng được gom lại, một phần đưa vào bếp ăn, một phần đưa vào lò ấp nhân giống và phần còn lại bán cho cán bộ, chiến sĩ mua về cho người thân. Vì gà được nuôi bằng thóc và ngô, nên thịt, trứng đỏ au và ăn rất thơm, thế nên trứng luôn được đặt hàng trước. Với mục tiêu phục vụ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nên lợn, gà, vịt đều được “nuôi bộ”, chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Bởi được “nuôi bộ”, nên lợn, vịt của đơn vị luôn được thương lái thu mua với giá thành cao hơn và có bao nhiêu sản phẩm họ đều mua hết. Có đợt giá thịt lợn trên thị trường giảm mạnh nhưng nguồn thu của đơn vị không bị ảnh hưởng nhiều, bởi người tiêu dùng luôn tin tưởng sản phẩm của đơn vị. Tuy nuôi số lượng lớn gia súc, gia cầm, nhưng môi trường của đơn vị vẫn rất sạch sẽ, bởi nguồn nước thải, phân được dồn lại, ủ để bón, tưới cho vườn rau.

Tham quan vườn rau tăng gia, chúng tôi vô cùng ấn tượng bởi các loại rau muống, mùng tơi, rền đỏ... được trồng theo luống đã được phân lô quy củ. Bí, mướp, giàn nào giàn ấy đều sai trĩu quả. Để có được những vườn rau xanh mướt này, các anh đã phải “thay máu” cho đất bằng cách đến xã Hải Quế (là xã nội địa của huyện Hải Lăng đất không bị nhiễm cát) mua đất đỏ về đổ lên trên làm đất trồng. Để có được diện tích trồng rau quả cũng lắm công phu. Các anh phải xúc bỏ lớp đất cát đến độ sâu nhất định rồi lót 1 lớp ni lông chống thấm, sau đó mới đổ đất đỏ đã mua về.

Khu tăng gia rau xanh được đầu tư “chuẩn” theo tiêu chí của Cuộc vận động 50, đó là có đủ 5 vườn, 3 giàn. Nhờ đó, những khoảng đất bị nhiễm cát không còn mà thay vào đó là những khoảng rau xanh các loại và cây trái ăn quả. Để tiết kiệm nước và sức lao động, đơn vị đã đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Chỉ một chiến sĩ cũng dễ dàng chăm sóc cả vườn rau. Mùa Hè cũng như mùa Đông, khí hậu ở Mỹ Thủy vô cùng khắc nghiệt, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng của cây, nên đơn vị phải mua lưới đen về phủ cho rau xanh để hạn chế nắng mùa Hè, gió mùa Đông.

Theo Trung tá Hoàng Văn Viễn, mô hình tăng gia sản xuất của đơn vị được một số hộ dân trong và ngoài xã đến tham quan, học tập. Bên cạnh đó, những kết quả tốt từ công tác tăng gia đã tạo được tâm lí phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị vì họ là người được trực tiếp hưởng lợi. Điều đó lại càng khiến mọi người tích cực tăng gia. Nhiều đồng chí sau khi đi tranh thủ, phép khi trở lại đơn vị đã mang theo các loại giống cây, con để trồng, nuôi thử nghiệm. Không khí thi đua giữa các bộ phận cũng sôi nổi, hiệu quả tăng gia càng rõ rệt. Việc thực hiện mô hình tăng gia ở Đồn Mỹ Thủy quả là “một công” được rất “nhiều việc”.

Trúc Hà

1588 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Điểm tin trong Tỉnh

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 913
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 913
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87196946