Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7/2021; các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1/7/2021 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Cảng Quốc Tế Cái Mép cho biết, cảng biển là mắt xích chính trong chuỗi luân chuyển hàng hoá, do đó cần phải tăng giá bốc dỡ để doanh nghiệp có nguồn vốn tiếp tục tái đầu tư.
Khung giá dịch vụ - Công cụ bình ổn giá
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT.
Hiện tại, các hãng tàu nước ngoài đang thu từ khách hàng xuất nhập khẩu Việt Nam nhiều khoản phụ thu, trong đó giá THC rất cao, là 114-173 USD/container (tùy 20 feet hay 40 feet), ngang bằng các nước trong khu vực. Tuy nhiên, các cảng biển Việt Nam chỉ thu được giá bốc dỡ container rất thấp, với 33 USD/teu (20 feet) tại khu vực Đình Vũ, 52 USD/teu tại khu vực Cái Mép và 41 USD/teu tại khu vực TPHCM.
So với các nước, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam đang ở mức thấp nhất (bằng 80% của Campuchia, 70% của Malaysia, 61% của Indonesia, 46% của Singapore). Trong đó, thấp nhấp là khu vực I (khu vực cảng miền Bắc với giá 33 USD/cont 20’ và 50 USD/cont 40’), cao nhất là khu vực cảng Lạch Huyện và Cái Mép- Thị Vải (52 USD/cont 20’ và 77 USD/cont 40’).
Mức giá hiện tại được coi là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng biển Việt Nam để thu hút tàu trọng tải lớn vào khu vực cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải và Lạch Huyện. Bằng chứng là thời gian vừa qua, hệ thống cảng biển Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng khi sản lượng tăng trưởng trung bình 13%/năm, thu hút được gần 40 hãng tàu trên thế giới ra vào làm hàng.
Nếu so với năm 2013, Việt Nam mới chỉ đón được 8 tuyến tàu mẹ ra vào làm hàng, thì đến nay, cảng biển Việt Nam đã đó được 28 tuyến tàu mẹ tại khu vực Cái Mép và 2 tuyến tại khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện. Hàng hóa Việt Nam đi thẳng sang thị trường châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3, góp phần giảm chi phí logistics, giảm thời gian lưu thông hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Như vậy, cùng với hệ thống cảng biển được đầu tư xây dựng bài bản, chất lượng, mức giá dịch vụ cạnh tranh hơn so với các nước, vị thế của cảng biển Việt Nam ngày càng được khẳng định trên thị trường quốc tế. Các hãng tàu lớn trên thế giới không ngừng đưa tàu vào cảng, Nhà nước sẽ thu được thuế, phí lệ phí hàng hải. Đồng thời, còn kéo theo sự phát triển của cả một hệ thống hạ tầng logistics, kho bãi, dịch vụ phát triển đồng bộ, thúc đẩy sự giao thương hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.
Nói về khung giá dịch vụ cảng biển, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, xây dựng khung giá dịch vụ không chỉ là công cụ hiệu quả giúp cảng biển Việt Nam thu hút tàu mẹ vào làm hàng mà còn góp phần bình ổn giá thị trường, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Đơn cử, tại khu vực Hải Phòng có hơn 10 doanh nghiệp cảng biển container. Để thu thu hút khách hàng, một số doanh nghiệp cảng đã giảm giá dịch vụ xuống mức rất thấp, thậm chí tại thời điểm chưa ban hành khung giá, giá giảm chỉ còn 25-28 USD/cont 20’. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 54/2018/TT-BGTVT được ban hành, mức giá tại khu vực Hải Phòng đã được điều chỉnh tăng lên 33 USD/cont 20’, khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng từ 46 USD/cont 20’ lên 52 USD/cont 20’.
Với mức giá áp dụng Thông tư 54, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng biển thời gian vừa qua đều ghi nhận có lãi. Mới đây nhất, quý I/2021, Cảng Hải Phòng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 173 tỷ đồng, Cảng Đà Nẵng và Cảng Quy Nhơn cũng ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt từ 7% và 27% nhờ doanh thu từ khai thác cảng cải thiện trong những tháng đầu năm.
Đàm phán tăng giá dịch vụ, nhìn từ năng lực cảng biển
Ghi nhận kiến nghị của Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải và các doanh nghiệp cảng biển đề xuất điều chỉnh tăng khung giá dịch vụ, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 54/2018/TT-BGTVT, các doanh nghiệp cảng biển hoàn toàn có thể điều chỉnh giá cao hơn mức giá tối thiểu mà không cần điều chỉnh Thông tư 54.
Cụ thể, khung giá quy định khu vực I cho phép thu từ 33-53 USD/cont 20’, khu vực Cái Mép và Lạch Huyện là 52-60 USD/cont 20’. Nhưng trên thực tế hiện nay, các cảng biển Việt Nam hiện nay đều đang áp dụng mức giá bằng giá tối thiểu.
"Sở dĩ các doanh nghiệp cảng lựa chọn áp dụng mức giá tối thiểu này là do vẫn có sự cạnh tranh để thu hút nguồn hàng vào cảng và năng lực đàm phán với các hãng tàu còn yếu", đại diện Cục Hàng hải Việt Nam nhìn nhận.
Chia sẻ thêm, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam hiểu rằng, nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng biển rất lớn, tỉ suất lợi nhuận là điều doanh nghiệp cảng cần phải tính toán để có thể tái đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, việc cạnh tranh bằng cách giảm giá dịch vụ đang gây khó khăn trong việc huy động nguồn vốn để tái đầu tư, giảm chất lượng dịch vụ.
“Việc ban hành khung giá mới cho dịch vụ tại cảng biển là cần thiết để giúp doanh nghiệp cảng có đủ nguồn tài chính tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ cảng biển Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ.
Thời điểm điều chỉnh khung giá hợp lý
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến cả nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ban ngành tập trung ổn định mức giá dịch vụ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 11/CT-TTg.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam về đề xuất của VISABA. VCCI cho rằng, hiện tại để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu tác động bởi dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, không tăng các loại giá, phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
“Hơn nữa, việc tăng biểu giá dịch vụ bốc dỡ chưa lường trước hệ lụy các hãng tàu quốc tế sẽ tăng cước vận tải hay các loại phụ phí? Nếu có, chính sách tăng của hãng tàu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, việc ban hành quy định có tính chất gia tăng chi phí kinh doanh trong giai đoạn này cần được đánh giá một cách thận trọng”, văn bản của VCCI nêu rõ.
Tương tự, trong văn bản trả lời về việc đánh giá tác động chỉ số giá tiêu dùng đối với khung giá trong Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018/TT-BGTV ngày 19/6/2020, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho rằng, mức khung giá điều chỉnh tăng theo dự thảo có tác động gián tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng nhưng không đáng kể.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục Thống kê cho rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Do đó, đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam cân nhắc thời gian điều chỉnh giá phù hợp, nhằm thực hiện bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ tại cảng biển và thời gian ban hành Thông tư sẽ không đi ngược với chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thời gian chờ đánh giá một cách cẩn trọng việc điều chỉnh khung giá và thời gian ban hành, Cục Hàng hải Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp cảng chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả khai thác và năng lực đàm phán với khách hàng để tự điều giá dịch vụ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp trong khuôn khổ quy định pháp luật hiện nay.
Phan Trang