Hội thảo “Các giải pháp về chính sách nhằm tăng cường
vai trò và hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội”.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý. Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) đã đưa ra một số khuyến nghị để phát triển các tổ chức xã hội (TCXH). Theo đó, cần nghiên cứu sự cần thiết xây dựng luật về TCXH. Mở rộng phạm vi điều chỉnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân trong việc thành lập, đăng ký thành lập và hoạt động của các TCXH; thủ tục đăng ký thành lập cần chặt chẽ song phải đảm bảo sự thuận lợi, một cửa, minh bạch, giải trình, khuyến khích người dân đăng ký; nghiên cứu điều chỉnh đối với các hội không đăng ký.
Ngoài ra, nghiên cứu chính sách khuyến khích các TCXH tham gia cung ứng dịch vụ cho xã hội, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ những người thiệt thòi; các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hội hoạt động; nghiên cứu chính sách thuế để tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi chính phủ huy động nguồn lực xã hội cũng như khuyến khích các cá nhân hay doanh nghiệp hỗ trợ cho hội hoạt động vì cộng đồng.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển doanh nhân Việt Nam (RCED), trong bài tham luận về các tổ chức phi chính phủ (NGOs) cũng đã đưa ra đề xuất: Rà soát các môi trường thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho NGOs hoạt động; nâng cao năng lực chính sách, phản biện của NGOs; khuyến khích tư nhân đóng góp NGOs qua thuế và truyền thông, giáo dục…
Bàn về chính sách phát huy vai trò của TCXH, ông Nguyễn Vi Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học nhấn mạnh: Hệ thống pháp luật chính sách cần đồng bộ theo tinh thần mở rộng, dân chủ; tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các TCXH tiếp cận và thực hiện quy chế giám sát phản biện xã hội; nhận thức đúng về vai trò của các TCXH.../.
Tin, ảnh: Khánh Hà