Tăng cường vai trò, hiệu quả truyền thông đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế 

(ĐCSVN) - Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện; quan hệ đối ngoại của Đảng không ngừng được mở rộng và tăng cường đi vào chiều sâu, thiết thực. Những thành tựu to lớn ấy có vai trò đóng góp to lớn tích cực của truyền thông đối ngoại.

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ rõ một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016-2021 là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”(1). Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, vai trò của truyền thông đối ngoại giữ vai trò, vị trí rất quan trọng.

Quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, công tác truyền thông đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước và các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích chính đáng của nước ta; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường nguồn lực cho phát triển đất nước.

Hoạt động của các cơ quan truyền thông đã có sự chuyển biến rõ rệt về tổ chức, nội dung, hình thức, loại hình, quy mô, phương tiện kỹ thuật và ảnh hưởng xã hội, bảo đảm đưa thông tin tới người nước ngoài ở Việt Nam, tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và tới bạn bè quốc tế, góp phần thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Việt Nam. Cơ quan báo, tạp chí và nhà xuất bản lớn đã làm nòng cốt, đi đầu trong công tác tuyên truyền đối ngoại; từng bước tổ chức việc đưa thông tin của hệ thống này lên mạng internet, kịp thời cập nhật thông tin ra thế giới, phản ánh đầy đủ, đúng đắn,  kịp thời, toàn diện mọi mặt hoạt động của đất nước. Truyền thông đối ngoại đã mở rộng diện thông tin tới một số khu vực trên thế giới, phục vụ ngày càng tốt hơn chủ trương hội nhập và tăng cường đoàn kết quốc tế của Việt Nam. Trong đó, công tác cung cấp và quản lý thông tin cho phóng viên, cơ quan báo chí nước ngoài của Bộ Ngoại giao có nhiều đổi mới, nhất là trong dịp tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Với 832 cơ quan báo, tạp chí in, trong đó có 193 báo; 639 tạp chí; 150 báo điện tử được cấp phép; có 67 đài phát thanh, truyền hình và hơn 2.500 website trên mạng internet đã cung cấp lượng thông tin lớn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Việc trao đổi thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo Nhân dân... ở nước ngoài đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối ngoại; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là tình hình ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, an ninh tiền tệ, ngân hàng , cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ truyền thông đối ngoại còn có những hạn chế sau:

Nhận thức về tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhất là cơ quan chủ quản chưa thật đầy đủ. Trong nhận thức và chỉ đạo thực tiễn có lúc chưa theo kịp những chuyển biến mau lẹ, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực …

Truyền thông trong nước đang có sự cạnh tranh gay gắt bởi sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông nước ngoài, trong đó có những thông tin trái với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hoạt động của các thế lực thù địch với những âm mưu thủ đoạn mới đang triệt để sử dụng các phương tiện truyền thông trên mạng internet, mạng xã hội để chống phá ta. Các phương tiện truyền thông nước ngoài với những phương tiện truyền phát hiện đại, khả năng phủ sóng rộng, nội dung thông tin đa dạng có mặt đang “lấn sân” các phương tiện truyền thông đối ngoại nước ta.

Một số cơ quan truyền thông có biểu hiện thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận trong nước và quốc tế, đưa thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin, gây ra những tác động xấu đến dư luận xã hội, làm tổn hại đến lợi ích đất nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, là kẽ hở để báo chí nước ngoài, các trang tin điện tử của các thế lực chống đối lợi dụng để xuyên tạc.

Thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân vẫn chiếm tỷ lệ tương đối trong các hành vi vi phạm của báo chí. Không ít cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử) khai thác thông tin từ truyền thông xã hội, nhưng lại buông lỏng hoặc bỏ qua khâu thẩm định nguồn tin nên đã cho đăng tải thông tin không chính xác, hoặc sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam vẫn còn xảy ra, nhất là trên báo điện tử và nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí.

Hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, nhiều nội dung chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, tính công khai, minh bạch, tính khả thi, ổn định còn hạn chế; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn nhiều yếu kém, gây trở ngại không nhỏ đối với hoạt động truyền thông đối ngoại và đội ngũ những người làm công tác trên lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho truyền thông đối ngoại chưa tương xứng và còn dàn trải; bộ máy tổ chức chỉ đạo, quản lý chưa thật hợp lý, hoạt động chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý những tiêu cực, vi phạm trong hoạt động truyền thông nói chung, trong hoạt động truyền thông đối ngoại nói riêng còn chậm và thiếu triệt để. Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra về truyền thông đối ngoại và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Truyền thông đối ngoại của nước ta có đơn vị còn thiếu những trang thiết bị kỹ thuật hiện đại phục vụ cho các hoạt động tác nghiệp. Hệ thống thiết chế truyền thông và cơ sở vất chất - kỹ thuật cho hoạt động truyền thông còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp,...

Để khắc phục những hạn chế trên và nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, nắm vững quan điểm Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu: “Năm năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong Cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải nỗ lực rất cao để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức lớn trong quá trình hội nhập”(2). Tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại theo tinh thần Kết luận số 16 của Bộ Chính trị khóa XI về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011 – 2020”. Nắm vững phương hướng, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn mới là: “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lanh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của đất nước”(3).

Hai là, nắm vững phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới là: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa”(4). Các cơ quan tuyên truyền cần có cách làm mới, bám sát đối tượng, cung cấp thứ độc giả đang cần; mỗi năm có một chủ để chính, đối tượng trọng tâm để tuyên tuyền, quảng bá; có sự kiểm soát, chọn lọc thông tin chính xác, hiệu quả để đưa đến công chúng bằng nhiều ngôn ngữ, hình thức để tạo sức lan tỏa.

Ba là, tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí đối ngoại, coi đó là lực lượng chủ lực để quảng bá hình ảnh quốc gia ra thế giới. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng. Tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống truyền thông, trong đó có truyền thông đối ngoại, đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên internet để định hướng tư tưởng. Đồng thời, “tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(5).

Bốn là, chủ động tuyên truyền hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa. “Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”(6).

Năm là, tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn lyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp. Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại và truyền thông đối ngoại. Coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. Xây dựng cơ chế phối hợp xử lý nhanh chóng, chính xác, hiệu quả các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, đột xuất để chủ động trong công tác định hướng dư luận và đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực cơ hội, thù địch. Sớm xây dựng kịch bản truyền thông, thông tin, tuyên truyền các vấn đề quan trọng, phức tạp, mới nảy sinh để giành thế chủ động thông tin.

Sáu là, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, trong đó có viễn thông, công nghệ thông tin. Đầu tư, nâng cấp và đổi mới cơ sở vật chất - kỹ thuật, hiện đại hóa hệ thống trang thiết bị, thu hẹp khoảng cách về công nghệ truyền thông giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở đó góp phần nâng cao một bước trình độ và chất lượng sản phẩm truyền thông, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế một cách sâu rộng; “có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ truyền thông tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa..., tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam” ra nước ngoài, đến với bạn bè quốc tế.

_________________

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 219

(2), (3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016,   tr. 73-74, 130-131

(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 153-154, tr.201

(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 153-154

Vũ Hữu Lâm

753 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 880
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 881
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76758714