Tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản  

(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23, tổ chức tại thủ đô Tô-ki-ô, từ ngày 4 – 8/6/2017.

Là quốc gia nghèo tài nguyên, dân số đông, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh thế giới thứ 2. Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản trải qua các giai đoạn: nhanh chóng phục hồi (1945-1954), phát triển cao độ (1955-1973), tăng trưởng chậm lại (1974- 1990) và trì trệ (từ 1991 đến nay). Hiện tại, tuy tiếp tục có nhiều vấn đề nan giải song Nhật Bản vẫn là cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới. 

Sau khi lên nắm quyền (12/2012), Thủ tướng Shinzo Abe đã triển khai mạnh mẽ Chính sách kinh tế mới Abenomics giai đoạn 1 gồm 3 “mũi tên” gồm: Chính sách tiền tệ mạnh dạn; Chính sách tài chính cơ động, Xây dựng Chiến lược tăng trưởng mới, và đã đạt một số kết quả nhất định, song kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro trung hạn. 

GDP thực và GDP danh nghĩa của Nhật Bản năm 2015 tăng lần lượt là 0,5% và 2,5% so với năm 2014. GDP thực năm 2016 đạt 523 nghìn tỷ Yên (tương đương 5 nghìn tỷ USD), tăng 1,2% so với năm 2015. Kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 136 nghìn tỷ Yên (khoảng 1 nghìn tỷ USD). Tháng 9/2015, Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra Chính sách Abenomics giai đoạn 2 với 3 mũi tên mới là: “phát triển kinh tế”, “hỗ trợ chăm sóc trẻ em” và “đảm bảo an sinh xã hội”, trong đó phấn đấu 3 mục tiêu: GDP năm 2020 đạt 600 nghìn tỷ yên, nâng tỷ lệ sinh con lên 1,8 (duy trì dân số mức 100 triệu người sau 50 năm).

Từ khi trở lại nắm quyền tháng 12/2012, Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách đối ngoại với 3 trụ cột: Tăng cường quan hệ Nhật-Mỹ; Cải thiện quan hệ với các nước láng giềng; Ngoại giao phục vụ kinh tế. Với phương châm “Quốc gia hòa bình” làm nền tảng, Nhật Bản tích cực triển khai “Ngoại giao toàn cầu” dưới ngọn cờ “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”, và đảm bảo 3 lợi ích: Lợi ích về an ninh, đó là tăng cường năng lực, vai trò của Nhật Bản, nâng cao tính răn đe của thể chế An ninh Nhật-Mỹ, tăng cường quan hệ tin cậy, hợp tác với các đối tác trong và ngoài khu vực Châu á - Thái Bình Dương; Lợi ích chiến lược thông qua việc sử dựng ODA nhằm thúc đẩy “Chủ nghĩa hòa bình tích cực”; Lợi ích kinh tế thông qua việc tăng cường quan hệ Ngoại giao với tất cả các khu vực, tham gia vào tất cả các thể chế kinh tế quốc tế và khu vực quan trọng. 

Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973, trong những năm qua, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng và thực chất trên nhiều lĩnh vực, với sự tin cậy cao về chính trị. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đẩu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghi Thượng đỉnh G-7 mở rộng (5/2016).

Hai nước đã thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi tháng 4/2002. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 4/2009, hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Tháng 10/2010, hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về Phát triển toàn diện quan hệ Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Tiếp đó, chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản (28/2-5/3/2017), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1/2017), đã góp phần đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng, toàn diện, hiệu quả hơn.

Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM)...Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước… Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp với 6 ngành được lựa chọn (ô tô, phụ tùng ô tô; máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản; điện tử; công nghiệp môi trường; tiết kiệm năng lượng; đóng tàu).

Năm 2016, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 29,7 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt hơn 10 tỷ USD (tăng 16% so với cùng kỳ 2016). Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe tháng 1/2017, hai bên công bố cấp phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam và quả lê của Nhật Bản. 

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Shinzo Abe (tháng 1/2017), hai bên đã ký hai công hàm trao đổi và hai hiệp định vay vốn cho một số dự án ODA. Nhật Bản cam kết cung cấp thêm cho Việt Nam khoảng 120 tỷ Yên (xấp xỉ 1,05 tỷ USD) ODA vốn vay năm tài khóa 2016 cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; quản lý nước Bến Tre; hệ thống thoát nước, xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) giai đoạn 1; phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất.

Trong nhiều năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản có bước đột phá. Hai bên đã ký kết “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (9/2015). Hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu phát triển mạnh mẽ, thực chất với việc Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố hỗ trợ khẩn cấp không hoàn lại 2,5 triệu USD để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; đồng thời cho biết Nhật Bản sẽ nghiên cứu hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu trong trung, dài hạn. 

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng 72.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về việc Nhật Bản tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý của Việt Nam. Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục, đào tạo của Việt Nam. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong lĩnh vực này. Số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đến cuối 2016 là gần 60.000 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt chất lượng cao (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội); hợp tác xây dựng Trường Đại học Việt - Nhật đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý, dịch vụ. Cùng với đó, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam dạy tiếng Nhật tại một số trường Trung học cơ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Trong 4 tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 261.571 lượt (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016), đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Hợp tác địa phương hai nước Việt Nam - Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều địa phương của hai nước đã ký văn bản hợp tác như: Thành phố Hồ Chí Minh - Osaka; Thành phố Hồ Chí Minh - Yokohama; Đà Nẵng - Sakai; Hà Nội - Fukuoka; Đà Nẵng - Yokohama; Đồng Nai - Hyogo; Bà Rịa - Vũng Tàu và Kawasaki; Phú Thọ - Nara; Huế - Kyoto; Hưng Yên - Kanagawa; Hải Phòng - Niigata; Nam Định - Miyazaki.

Về công tác lãnh sự, tại Việt Nam có khoảng 13.500 người Nhật Bản và tại Nhật Bản có 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập. Nhật Bản đã mở Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam đã mở Tổng Lãnh sự quán tại Osaka và Fukuoka. Tháng 6/2010, hai Tổng Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại thành phố Nagoya (tỉnh Aichi) và thành phố Kushiro (tỉnh Hokkaido) đã được bổ nhiệm. Từ ngày 1/1/2004, Việt Nam đã miễn thị thực cho người Nhật vào Việt Nam du lịch, kinh doanh trong vòng 15 ngày; từ ngày 1/7/2004 miễn thị thực nhập cảnh ngắn hạn cho mọi công dân mang hộ chiếu Nhật Bản. Ngày 8/3/2005, hai bên đã trao đổi Công hàm miễn thị thực nhập cảnh cho công dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong thời hạn lưu trú không quá 90 ngày bắt đầu từ ngày 1/5/2005. Nhật Bản nới lỏng quy chế cấp thị thực nhiều lần (từ ngày 30/9/2014 và nới lỏng hơn từ ngày 15/2/2016), thị thực một lần (từ ngày 20/11/2014) cho công dân Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Tương lai Châu á lần thứ 23, do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức. Đây là một trong những diễn đàn thường niên, có uy tín ở châu Á, có sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Hội nghị thảo luận về những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát triển, hòa bình, thịnh vượng của châu Á. Hội nghị năm nay có chủ đề “Chủ nghĩa Toàn cầu hóa giữa ngã tư đường – Bước đi tiếp theo của châu Á”, tập trung thảo luận về vấn đề toàn cầu hóa, chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy, ASEAN, vấn đề an ninh của châu Á… 

Tập đoàn Nikkei - nhà tổ chức Hội nghị, là một trong những tập đoàn truyền thông lớn nhất Nhật Bản và khu vực, có quan hệ tốt với Việt Nam. Theo lời mời của Nikkei, những năm gần đây, Việt Nam đều dự Hội nghị ở cấp cao: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009; Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân năm 2010 và năm 2013; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải năm 2011; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan năm 2012; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam năm 2014; Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh năm 2015; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng năm 2016. 

Năm 2013, Chủ tịch FPT  Việt Nam Trương Gia Bình được nhận Giải thưởng Nikkei Asia, đóng góp trong lĩnh vực phát triển công nghệ thông tin khu vực. Đây là lần đầu tiên trong suốt 18 năm tổ chức Giải thưởng này, Nikkei lựa chọn một doanh nhân Việt Nam để trao tặng. Trước đó, Việt Nam có hai cá nhân được nhận Giải thưởng Nikkei Asia là Đạo diễn Đặng Nhật Minh (năm 1999), Nhà văn Bảo Ninh (năm 2011).

Chuyến thăm chính thức Nhật Bản, tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm khẳng định sự coi trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản trên mọi lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, các lĩnh vực có nhiều tiềm năng như nông nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động và địa phương.  Chuyến thăm lần này góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nhật Bản ở cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, thương mại; trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế; thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam trong khu vực, nêu quan điểm của Việt Nam về quá trình toàn cầu hóa trong bối cảnh mới với nhiều biến động, về các thách thức chung đối với châu Á và giải pháp ứng phó./.

 

Mạnh Hùng

1034 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 817
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 817
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87036461