Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cam Lộ 

Huyện Cam Lộ có 01 bản dân tộc thiểu số - người Vân Kiều, thuộc thôn Bản Chùa - xã Cam Tuyền, gồm 88 hộ và 400 nhân khẩu, chiếm 0,65% dân số trong toàn huyện. Diện tích đất tự nhiên 193,7 ha. Mặc dù số lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ ít, nhưng cấp uỷ và chính quyền luôn quan tâm xây dựng nhiều chủ trương, kế hoạch nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.

Đặc biệt, huyện đã chú trọng phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng nhiều chính sách ưu đãi; chỉ đạo các ban, ngành hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số phát triển kinh tế; tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, trong những năm qua, dưới  sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi; phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị  trong và ngoài địa bàn huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp đỡ đồng bào dân tộc ở Bản Chùa như: ra mắt mô hình "Nhân dân Bản Chùa bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới”; hỗ trợ xây mới 25 nhà đại đoàn kết với số tiền 962 triệu đồng; tặng quà cho người nghèo; xây dựng công trình “Ánh sáng đường quê”; thăm khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí; phối hợp với Trung đoàn 19 – Sư 968 chỉnh trang đường giao thông nông thôn...

Các phòng, ban, Mặt trận, đoàn thể huyện đã phối  hợp với cấp ủy, chính quyền xã Cam Tuyền tổ chức mở 07 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về thâm canh cây lạc, cây dứa, chè vằng, chăn nuôi gia cầm, trồng rau sạch... Qua đó, giúp bà con thay đổi nhận thức trong trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần; đến nay thu nhập bình quân đầu người 14 triệu/người/năm. Các hộ gia đình còn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm. Từ nguồn quỹ đất của Công ty Lâm nghiệp Đường 9 giao lại, xã tiếp tục cấp đất cho những hộ thiếu đất sản xuất là người dân tộc thiểu số. Diện tích đất trồng cây hàng năm 38 ha: đất lúa 4,5 ha, đất trồng dứa 12.5 ha; đất lạc 21 ha; ngoài ra có nhiều diện tích trồng cây lâu năm như: đất lâm nghiệp 85ha, đất cao su 15,3 ha; tổng đàn trâu, bò gần 200 con; công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến, tỷ lệ hộ nghèo 4,92,%. Năm 2017, huyện đã hỗ trợ cho bà con số tiền 110 triệu về hạ độ cao của đất phục vụ sản xuất (theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ) và hỗ trợ 50 triệu (từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) để trồng dứa.

Công tác giáo dục, đào tạo đối với con em ở Bản Chùa được cấp ủy, chính quyền quan tâm, các chính sách ưu đãi được thực hiện kịp thời, đúng quy định như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu mầm non, hỗ trợ chi phí học tập 100.000/cháu/tháng cho học sinh TH và THCS được; công tác phổ cập giáo dục ở các bậc học được thực hiện nghiêm túc, 100% học sinh trong độ tuổi ở các bậc học đều được đến trường. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm hỗ trợ theo đúng quy định của nhà nước.

 Ý thức vệ sinh trong nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn cảnh quan môi trường sáng – xanh - sạch - đẹp được bà con dân bản quan tâm; thôn đã có Trung tâm học tập cộng đồng phục vụ sinh hoạt, hội họp của bà con; hệ thống nước được hỗ trợ với số tiền gần 3 tỷ đồng, vì vậy tất cả các hộ gia đình đều có nước dùng hợp vệ sinh; 100% hộ gia đình sử dụng điện lưới quốc gia và được hỗ trợ tiền điện sáng hàng tháng; 100% hộ gia đình đều có phương tiện nghe, nhìn. Hệ thống đường giao thông liên xã chạy qua Bản 1km, mặt đường rộng 6m, nền đường đổ cấp phối thuận lợi cho quá trình đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hóa và đã làm mới 700m đường giao thông nông thôn.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thôn ổn định, nhân dân thôn bản luôn đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Năm 2018 Công an huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể xã Cam Tuyền tổ chức Lễ phát động mô hình "nhân dân Bản Chùa bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng nông thôn mới”. Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành, đoàn thể đã huy động nhiều nguồn lực giúp đỡ nhân dân Bản Chùa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân đóng góp 720 ngày công lao động, hiến 1.200m2  để  chỉnh trang nông thôn mới.

Thôn có các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các họ tộc luôn có trách nhiệm giáo dục con cháu, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và giữ gìn ANTT trên địa bàn, góp phần cùng chính quyền địa phương cùng nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tham gia thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, dần bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; giữ gìn tốt bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng của thôn, bản.

Có thể khẳng định rằng, việc xây dựng các mô hình "Dân vận khéo" đã góp phần động viên, khuyến khích đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Nguyễn Thị Hạnh (VPHU)

 

810 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Tin cơ sở

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1006
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1006
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87024458