Sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, những năm gần đây, thiên tai xảy ra tại nước ta có xu hướng cực đoan, dị thường cả về cường độ, tần suất và không tuân theo quy luật. Trong đó, có thể kể đến việc bão đã đổ bộ vào các khu vực trước đây ít khi bị thiên tai như cơn bão Damrey tháng 10/2017 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa, nơi 20 năm không có bão. Mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất với tần suất xuất hiện liên tục và cường độ mạnh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán kỷ lục tại Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối năm 2015, đầu năm 2016. Hay tình trạng suy kiệt nguồn nước tại một số hệ thống sông lớn; ngập lụt thường xuyên tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ do triều cường,…Thiên tai đã tác động mạnh, sâu rộng đến đời sống của người dân, làm đình trệ việc sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Tính riêng thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2016 gần 40.000 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD), năm 2017 khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương trên 2,6 tỷ USD). Năm 2018, theo tổng hợp báo cáo từ các địa phương, tính đến 31/7 trên toàn quốc đã đã xuất hiện 14 loại hình thiên tai, trong đó có hai đợt mưa lớn diện rộng gây lũ quét, sạt lở đất đã xảy ra tại khu vực miền núi phía Bắc, tổng thiệt hại về vật chất ước tính khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.

Qua tổng kết tại các hội nghị, hội thảo khoa học gần đây của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy, ngoài nguyên nhân do biến đổi khí hậu thì những nguyên nhân do quá trình phát triển kém bền vững đã góp phần làm gia tăng thiệt hại do thiên tai. Cụ thể, chất lượng rừng ngày càng suy giảm, đặc biệt là rừng đầu nguồn và rừng ngập mặn ven biển đã làm gia tăng lũ quét, sạt lở đất và sạt lở vùng cửa sông, ven biển. Tập quán sống ven sông với các công trình được xây dựng ngày càng kiên cố đã tăng chất tải lên bờ sông, thu hẹp mặt cắt tự nhiên của dòng sông làm gia tăng nguy cơ bị sạt lở.

Đặc biệt, ở khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ, phần lớn dân cư sống trên vùng núi cao hay sát ven sông, suối hoặc ngay dưới ta luy dương đường giao thông rất dễ chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, chưa kể đến một bộ phận người dân vẫn giữ tập quán sống du canh, du cư, rất khó kiểm soát, đặc biệt là khi có thiên tai xảy ra. Địa bàn rộng, chia cắt, dân cư sống rải rác, thông tin liên lạc không kịp thời là những thách thức trong công tác chỉ đạo ứng phó thiên tai.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp cùng với những khó khăn còn tồn tại, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ, trong đó, chú trọng đến việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Cụ thể, với sự ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, lĩnh vực công trình chỉnh trị sông, bảo vệ bờ sông, bờ biển đã có nhiều tiến bộ. Nhiều vật liệu, công nghệ mới đã được sử dụng, nổi bật là việc sử dụng rộng rãi các sản phẩm vải địa kỹ thuật dưới dạng tầng lọc hoặc thảm túi bê-tông, thảm túi cát vừa để tăng ổn định bờ vừa tạo điều kiện để thực vật phát triển, tạo cảnh quan môi trường. Những xu hướng này sẽ được tiếp tục trong tương lai và cần được nghiên cứu kỹ hơn để áp dụng vào điều kiện Việt Nam.

Về công nghệ giải pháp mềm gây bồi, tạo bãi, cần rà soát các vị trí thuận lợi, thiết kế và thi công các kè mềm bằng vật liệu địa phương giá thành thấp để giảm thiểu năng lượng sóng, giữ lại phù sa, bùn, cát để gây bồi, tạo bãi trồng rừng ngập mặn. Cơ quan hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã áp dụng thành công giải pháp hàng rào chữ T để bảo vệ và phục hồi rừng ngập mặn tại Sóc Trăng và đã có hướng dẫn chi tiết về cách thiết kế và áp dụng nhân rộng giải pháp này. Một số địa phương khu vực Nam Bộ đã thành công sử dụng hàng rào bằng tre với các thiết kế đa dạng cho kết quả tốt.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ đập ngăn bùn đá (đã áp dụng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và phát huy được tính ưu việt trong việc giảm nhẹ rủi ro do loại hình thiên tai này gây ra). Mục đích chính của các đập này là làm tiêu hao năng lượng của dòng lũ bùn đá bằng cách làm chậm và lắng phần phía trước của dòng lũ bùn đá, từ đó giảm đáng kể tác động tới khu vực hạ lưu và khu vực dân cư bị ảnh hưởng. Việc tiêu hao năng lượng của dòng lũ bùn đá có thể đạt được bằng cách làm chậm hoặc thay đổi chế độ dòng chảy.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để giảm thiểu các thiệt hại do sạt lở bờ sông, cần khẩn trương xây dựng quy hoạch chỉnh trị sông gắn với quy hoạch sử dụng đất ven sông theo hướng dành không gian thoát lũ, xây dựng công trình giao thông kết hợp với đê điều; bố trí, sắp xếp lại dân cư ven sông, kênh, rạch kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng phương pháp đánh giá cấp độ rủi ro lũ quét, sạt lở đất; xây dựng các mô hình độ chính xác cao, cảnh báo lũ quét trong điều kiện miền núi Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các dấu hiệu, các ngưỡng mưa phát sinh lũ quét để có giải pháp phù hợp. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc xây dựng bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ lũ quét độ phân giải cao, ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám trong việc xây dựng các hệ bản đồ cảnh báo sớm./.

BT