TS Nguyễn Trọng Hậu, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
và PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm.
Sáng 10/5, tại thành phố Hồ Chí Minh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học: “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá?”.
TS Nguyễn Trọng Hậu, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đồng chủ trì Tọa đàm.
Tham dự Tọa đàm có các đại biểu, diễn giả: TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Bà Lê Thị Thu, Giám đốc Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam; Ông Ngô Huy Toàn, Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Chương trình tại Việt Nam, Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá; Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng; Bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Cùng tham dự còn có đại diện các cơ quan, tổ chức: Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; Bộ Y tế; Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng; các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu đến từ các Bộ, ngành, địa phương…
Phát biểu đề dẫn Toạ đàm, TS Nguyễn Trọng Hậu, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá ngày 11/11/2004, có hiệu lực áp dụng từ ngày 17/03/2005.
Đặc biệt, sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 đã nội luật hóa các nội dung mà Công ước đề cập nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc.
Với sự chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước. Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm; đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt...
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số điểm của Công ước khung chưa được thực hiện triệt để và khó đạt được những mục tiêu đã cam kết, đặc biệt là mục tiêu không để ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật về kiểm soát thuốc lá và chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân có liên quan đến thuốc lá…
TS Nguyễn Trọng Hậu, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
phát biểu đề dẫn Toạ đàm.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học: “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá?”. Thông qua Tọa đàm, bức tranh thực trạng về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường đã được các diễn giả, đại biểu làm rõ. Hút thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trên toàn cầu. Khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học và khoảng 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh ung thư và các bệnh mãn tính. Những người nghiện thuốc nặng có tỷ lệ chết vì ung thư gấp bốn lần so với người không hút.
Đặc biệt, hút thuốc thụ động có thể gây ra nhiều bệnh ở trẻ em (như: khối u não, bệnh tai giữa, ung thư máu...) và nhiều bệnh ở người trưởng thành (như: ung thư vú, ung thư phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ, ung thư xoang mũi...). Thuốc lá hiện đang gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm.
Tại Việt Nam, sau hơn 10 năm thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam đã đạt được những kết quả khích lệ như: Nhận thức của người dân về tác hại của hút thuốc lá được nâng cao. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm; tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (từ 13 – 15 tuổi) cũng giảm… Đa số người dân đều ủng hộ các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và mong muốn làm việc trong môi trường không thuốc lá.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa đạt cao. Việt Nam là nước đứng thứ 3 ở khu vực châu Á và thứ 15 thế giới về số người hút thuốc lá. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động, do ốm đau và tử vong sớm lên đến hàng chục tỷ đồng/năm. Việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới dừng lại ở mức phổ biến, tuyên truyền, vận động…trong đó, nguyên nhân là do nhận thức của người dân chưa cao, hiện tượng hút thuốc nơi công cộng còn phổ biến, tỷ lệ từ bỏ sử dụng thuốc lá còn thấp, việc xử lý vi phạm hành chính chưa triệt để, gặp nhiều vướng mắc…
Toàn cảnh buổi Toạ đàm
Đồng thời, các diễn giả, nhà khoa học cùng tập trung làm rõ nội dung cơ bản của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thực thi Điều 5.3 - Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; những thành tựu, hạn chế, thách thức ở Việt Nam khi triển khai Công ước và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện Công ước Quốc tế về Kiểm soát thuốc lá, cũng như các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá…
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học và các nhà báo cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, xã hội, môi trường từ khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá ra đời.
Trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị, giải pháp góp phần tăng cường tuyên truyền hiệu quả, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và cả xã hội về tác hại của việc hút thuốc lá; khơi dậy thế hệ trẻ nói không với thuốc lá; tuyên truyền việc thực hiện đúng các chính sách, quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Công ước khung FCTC. Trong đó, phân loại các nội dung cần truyền thông; tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng “Ngày Thế giới không thuốc lá” (31/5); “Tuần lễ quốc gia không thuốc lá” (25/5-31/5) hằng năm; các nhóm đối tượng đích cần tuyên truyền; công cụ để đo đếm hiệu quả của công tác tuyên truyền; lựa chọn ưu tiên các chính sách về sức khỏe, giảm sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Đồng thời, đề xuất cơ chế tổ chức để thực thi tốt Luật Phòng, chống tác hại Thuốc lá; tăng cường quản lý và phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các công ty thuốc lá trên báo chí..., chung tay vì một thế giới không khói thuốc!./.
PV