Đó là một trong những khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo về tăng cường tính chống chịu của hệ thống nông nghiệp – thực phẩm trước các tác động của El Nino tại Việt Nam. Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 26/10, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong đó những diễn biến thiên tai cực đoan như hạn hán, mưa lũ,… ngày càng có xu hướng gia tăng về tần suất, các đợt nắng nóng, khô hạn bất thường kéo dài.
Trong đó, nhiều đợt mưa lũ đã làm nhiều người thương vong, gây thiệt hại lớn về tài sản; hạn hán xâm nhập mặn kéo dài từ năm 2014-2016 gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân; bão trên Biển Đông cũng xuất hiện nhiều hơn và có chiều hướng gia tăng. Trước thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời dành nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai, huy động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia ứng phó với thiên tai.
Theo ông William R.Sutton, chuyên gia kinh tế trưởng về nông nghiệp Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có nhiều khả năng bị tác động bởi các “cú sốc” về khí hậu do ENSO gây ra. Dữ liệu lịch sử cho thấy, hai giai đoạn của ENSO là El Nino và La Nina lần lượt có xu hướng làm giảm và tăng lượng mưa. Mặc dù, cả hai đều làm giảm lượng mưa ở miền Bắc nhưng chỉ có El Nino làm giảm lượng mưa ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, trong khi La Nina làm tăng lượng mưa ở cả hai.
Miền Nam cũng phải đối mặt với thách thức về xâm nhập mặn do ENSO gây ra. Trong thực tế, các vùng bị tổn thương nặng nề nhất ở Việt Nam bởi các tác động của ENSO là Nam Duyên hải, Tây Nguyên và Lưu vực sông Mê Kông.
Bên cạnh đó, các sự kiện El Nino cường độ mạnh làm giảm GDP trong khi các sự kiện La Nina cường độ mạnh làm tăng GDP ít hơn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy tổn thất GDP cả nước trong suốt một sự kiện El Nino cường độ mạnh là 2,5 tỷ USD so với 1,1 tỷ USD GDP tăng lên trong sự kiện La Nina. Tỷ lệ phần trăm tổn thất còn lớn hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, với GDP của ngành này giảm gần 10%.
Theo Ngân hàng Thế giới, các biện pháp chính sách can thiệp khác nhau có thể giúp giảm thiểu tác động của El Nino ở nhiều cấp độ khác nhau. Các can thiệp về chính sách, đặc biệt về mở rộng hệ thống tưới tiêu có thể đền bù một phần nào các tổn thất GDP do ENSO gây ra. Việc mở rộng hệ thống tưới tiêu giúp đền bù tổn thất của GDP nhờ việc giúp các hoạt động sản xuất nói chung có khả năng chống chịu tốt hơn đối với các đợt biến đổi khí hậu. Đồng thời, các chính sách khác có thể tham khảo gồm: giới thiệu các giống hoa màu chịu hạn, dự trữ lương thực,...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị về các hành động thiết thực để ứng phó đối với các sự kiện biến đổi khí hậu liên quan đến ENSO. Đơn cử như: thành lập một ban liên ngành cấp cao có nhiệm vụ ứng phó và dự phòng đối với ENSO; xây dựng kế hoạch khẩn cấp và kế hoạch ngân sách cho ENSO ở địa phương; đảm bảo có sẵn các đầu vào và nhu yếu phẩm cần thiết cho các phản ứng khẩn cấp và có đủ kết nối hạ tầng.
Về các ưu tiên cần can thiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với các đối tác quốc tế để xác định các ưu tiên về chính sách, xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện các ưu tiên này. Ngoài ra, cần chú ý đến việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan và mở rộng kế hoạch ứng phó với rủi ro thiên tai để lồng ghép các sự kiện khởi phát chậm của El Nino (như hạn hán). Tăng cường sử dụng nước tiết kiệm; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về mức độ nghiêm trọng của ENSO với các đối tác dựa trên dự báo mô hình hoa màu, dự báo định kỳ ba tháng và các thực hành tốt; gắn các cảnh báo này với bản đồ nguy cơ nông nghiệp./.
BT