Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Khương Trung

Theo báo cáo của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài, năm 2017, Tổng cục đã thường xuyên hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường với gần 400 kiến nghị về hướng dẫn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường được tiếp nhận và giải quyết. Tổng cục đã tổ chức thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 429 cơ sở trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với số tiền xử phạt trên 17 tỷ 846 triệu đồng.

Tính đến nay, đã có 400 trên tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003 của Thủ tướng hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm, đạt tỷ lệ 91,1%; 209 trong tổng số 435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng cơ bản hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để, không còn gây ô nhiễm môi trường, đạt tỷ lệ 44%.

Ngoài ra, Tổng cục Môi trường thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình khắc phục các lỗi vi phạm và việc cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra trực tiếp tại Công ty; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động liên quan đến công tác khắc phục, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường gây ra tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Về tiếp nhận, xử lý các điểm nóng, vấn đề môi trường thông qua Đường dây nóng, tính đến 15/12/2017, đường dây nóng của Tổng cục Môi trường tiếp nhận 206 thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường, trong đó có 50 vụ việc đã được xử lý. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã được ban hành nhưng hoạt động triển khai, thực thi đôi khi còn chưa đồng bộ, kịp thời; còn tình trạng xử lý một số văn bản chậm so với tiến độ đã đề ra.

Về công tác cải cách thủ tục hành chính đã có chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường đều đã được công bố, công khai trên Cổng thông tin của Bộ ở mức độ 2, đặc biệt có 10 dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực môi trường đã được triển khai, sử dụng. Tỷ lệ thủ tục hành chính xử lý chậm tiến độ đã giảm hơn nhiều so với năm 2016 và các năm trước đây. Đề xuất cắt giảm 04 thủ tục hành chính.

Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm cũng đã được tích cực triển khai, quan tâm hơn, thông qua việc triển khai xây dựng tiêu chí sàng lọc các dự án đầu tư; Đề án về kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; danh mục các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; hướng dẫn các địa phương xử lý, ứng phó với vụ việc, sự cố gây ô nhiễm môi trường; Chỉ thị về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của cộng đồng và báo chí về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng,...

Năm 2018, Tổng cục môi trường tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn 2016-2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí từ Trung ương đến địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, trong năm 2018, Tổng cục Môi trường cần tập trung giải quyết, khắc phục tình trạng xử lý một số văn bản còn chậm so với tiến độ; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường…

“Riêng công tác thanh tra, kiểm tra, tôi đề nghị tiếp tục tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm cao về môi trường, sự cố môi trường; có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các đoàn thanh tra, xử lý nghiêm và có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Tôi đề nghị thanh tra xong một tỉnh nào cũng nên tổng kết rút kinh nghiệm để có tiếng nói kiến nghị chung với địa phương. Địa phương họ nghe, làm tốt thì môi trường mới tốt”, Thứ trưởng cho biết./.

Bích Liên