Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Trị được thành lập vào ngày 16/5/1990, qua quá trình hoạt động và phát triển, đến nay Đoàn có 07 văn phòng luật sư và 01 công ty luật với 20 luật sư đang sinh hoạt tại Đoàn, phần lớn là cán bộ của các cơ quan tư pháp đã nghỉ hưu tham gia. Đội ngũ luật sư của tỉnh có lập trường chính trị vững vàng, am hiểu pháp luật và kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, thường xuyên phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.
Để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí quan trọng của luật sư và hành nghề luật sư, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc tổ chức quán triệt, triển khai nội dung kết luận, chỉ thị đến toàn thể cán bộ và Nhân dân, đảm bảo phù hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức 02 cuộc thanh tra đối với 02 tổ chức hành nghề luật sư (Văn phòng luật sư Bùi Quang Sinh và Công ty Luật Văn Hiến). Qua thanh tra, đã chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư và các quy tắc, hoạt động nghề nghiệp của Luật sư.
Bên cạnh đó, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh đã làm tốt công tác bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, đạo đức hành nghề cho đội ngũ luật sư của tỉnh. Thường xuyên giám sát luật sư, người tập sự hành nghề đối với việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Liên Đoàn luật sư Việt Nam, quy chế của Đoàn luật sư tỉnh, việc tuân theo quy tắc nghề nghiệp của luật sư. Do đó, trong thời gian qua không có luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp hoặc bị xử lý kỷ luật; thực hiện đăng ký 03 giấy hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư; giao trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư chịu trách nhiệm hướng dẫn tập sự cho 02 trường hợp và đề nghị Liên Đoàn luật sư Việt Nam cấp 03 thẻ luật sư; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền được chú trọng, đến nay, không phát sinh trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư, tổ chức và hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số hạn chế như: Số lượng luật sư trên địa bàn tỉnh quá ít, chủ yếu là những cán bộ đã nghỉ hưu, tuổi đời cao, chưa có luật sư hoạt động chuyên sâu theo từng lĩnh vực, dẫn đến chất lượng cung cấp một số dịch vụ pháp lý chưa cao, chưa tạo được thương hiệu trong hoạt động tư vấn pháp lý và tham gia tố tụng. Thể chế về tổ chức, hoạt động luật sư còn tồn tại một số bất cập nhất là trong cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng liên quan. Thu nhập từ nghề luật sư trên địa bàn tỉnh còn thấp, hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề luật sư và thu hút luật sư nên việc phát triển đội ngũ luật sư của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thu hút luật sư trẻ…
Để tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm, nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng hành nghề trong môi trường pháp lý quốc tế, giữ vũng bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu về tư vấn, tranh tụng trên các lĩnh vực. Tăng cường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý Nhà nước về luật sư. Tăng cường chỉ đạo việc quán triệt và thực hiện nghiêm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Thực hiện cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư trong quá trình tác nghiệp. Minh Hà