Đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng bằng nhiều hình thức. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đưa nội dung thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW vào chương trình công tác, chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm. Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh quan tâm chỉ đạo nhiều nội dung liên quan việc thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW đối với các cơ quan, đơn vị tại thông báo kết luận các phiên họp định kỳ Ban Chỉ đạo. Các chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy đều đưa vào nội dung thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng cuộc kiểm tra, giám sát.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có một số văn bản quan trọng như: Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 29/11/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới”; Kế hoạch số 27-KH/TU, ngày 19/7/2021 về thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 28-KH/TU; Công văn số 1411-CV/TU, ngày 26/12/2023 về triển khai Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị; Công văn số 1392-CV/TU, ngày 11/12/2023 về triển khai thực hiện Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị; Công văn số 1288-CV/TU, ngày 22/9/2023 về đẩy mạnh xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… tổ chức sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW (Báo cáo số 252-BC/TU, ngày 09/02/2023; Báo cáo số 397-BC/TU, ngày 01/02/2024).
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác rà soát, sửa đổi, xây dựng các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng; theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công, giá giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đã ban hành mới hơn 300 văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành hơn 250 văn bản và sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến các chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Các cơ quan chức năng ở địa phương đang tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật; nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; cơ chế xử lý tài sản bị kê biên, phong tỏa; cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; sớm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong quá trình thực hiện thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra để đảm bảo các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ, đồng thời trao đổi nhiều giải pháp nhằm đảm bảo tốt nhất việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Kết quả từ 06 tháng cuối năm 2021 đến 05 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã thu hồi 17.873.527.630 đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thủy Phương